Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Một thoáng mênh mang với Hoàng Cầm qua bài thơ "Lá diêu bông"










Một thoáng mênh mang với Hoàng Cầm qua bài thơ “Lá diêu bông”
                                           ·    Trạch an- Trần hữu Hội
        “Em ơi buồn mà chi
         Anh đưa em về bên kia sông Đuống
        Ngày xưa…..cát trắng phẳng lì
        Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh
        Nằm nghiêng nghiêng bên kháng chiến trường kỳ…..”
     Đó là những vần thơ tiêu biểu của điệu thơ dịu dàng, buồn bã, da diết… của Hoàng Cầm đã một thời vang vọng.
     Nhiều  năm sau “ Bên kia sông Đuống”, những ai có niềm giao cảm đặc biệt với tâm hồn đa cảm, chân tình và dân dã ấy lại một lần nữa rung động, lại mênh mang buồn với bài thơ “Lá Diêu bông”.
      Đẹp làm sao, lãng mạn làm sao, ngây thơ làm sao, chung thủy làm sao tâm hồn của một thiếu niên, trong một buổi chiều tà, giữa mênh mông đồng ruộng, sau vụ gặt, đã khắc ghi vào lòng một câu nói, một lời hứa hẹn vu vơ của một cô gái đang tuổi xuân thì, để nhiều tháng năm ôm ấp, mãi mê đi tìm một chiếc lá vô hình….hầu thỏa mộng yêu đương.
         “Váy đình bảng buông chùng cữu võng

           Đồng chiều cuống rạ   
           Chị thẩn thơ đi tìm
           Chị bảo: đứa nào tìm được lá Diêu bông
          Từ nay ta gọi là chồng.
           Hai ngày, em tìm thấy lá
           Chị chau mày: đâu phải lá Diêu bông
            Mùa đông sau em tìm thấy lá
            Chị lắc đầu,  trông nắng vãn bên sông
            Ngày cưới chị em tìm thấy lá
            Chị cười, xe chỉ ấn trôn kim
            Chị ba con em tìm thấy lá
            Xòe tay phủ mặt chị không nhìn
            Từ thuở ấy em cầm chiếc lá
            Đi đầu non cuối bể
            Gió vi vu gọi: “Diêu bông hỡi, ơi diêu bông?”
          Đột ngột làm sao, vô lý làm sao-Tình yêu- nó làm cho Xuân  Diệu phải thốt lên :
“….Có nghĩa gi đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhẹ nhẹ gió hiu hiu…..”
      Cùng với hoàng hôn, cùng với gió chiều, lời hứa hẹn vu vơ ấy đã bay đi, có ai dại khờ cả tin hơn một tâm hồn đang yêu, chú bé đang yêu ấy đã hăm hở đi tìm để chỉ hai ngày đã tìm được lá, nhưng rồi :
      “ Chị chau mày đâu phải lá diêu bông”
      Không bối rối, tình cảm thơ ngây đã chấp cánh cho ước vọng bay cao, mùa Đông sau đã tìm được lá, nhưng- lại một buổi chiều, chị- cô gái xuân thì ấy đang bâng khuâng về một bóng hình khác, có lẽ đâu đó rất gần nhưng cũng có thể vời vợi xa xăm, nên:
      “ Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông”.
      Niềm yêu không nói nên lời, chàng thiếu niên mê say ấy lại lặng lẽ ra đi, lại lang thang trong niềm mơ mộng phiêu lãng, quay về đúng vào ngày cưới chị.
      Giờ đây, người thiếu nữ đã thỏa niềm khao khát mộng mơ tình yêu mà chị ngóng đợi bao năm của tuổi xuân đã đến, chị sang sông với niềm vui ngập tràn, nên trông thấy lá:
     “ Chị cười, xe chỉ ấn trôn kim”
      Không nao núng, không mất đi niềm háo hức ban đầu- chàng thiếu niên, với thời gian chắc cũng đã trở thành một chàng trai- phong kín hồn mình với một hoài bảo khôn nguôi, ra đi để lại quay về khi chị đã ba con. Có ai biết tháng năm đã để lại những gì trong tâm tưởng chị, trên nét thanh xuân của chị, chỉ biết:
    “ Xòe tay phủ mặt chị không nhìn”
      Và từ đây, chàng trai ra đi đầu non cuối bể, bước chân của chàng sải dài theo năm tháng chiến chinh- khi bạt ngàn trăng gió chiến khu, khi hắt hiu chiều buồn bên sông vắng, cũng lắm khi “đồng chiều cuống rạ”, tà huy xế bóng….đã lắm khi nhớ đến mối tình ngây thơ, đến hình bóng người thiếu nữ xa xăm….tiếng gió vi vu như gợi nhắc thì thầm:
     “…Diêu bông hỡi,ơi diêu bông!”
        Quê hương chinh chiến đã cho chúng ta những nhà thơ tiêu biểu với một thời kì huy hoàng của thi ca, những vần thơ tuyệt vời từng làm hành trang cho cả một thế hệ….chúng ta từng buồn với:
     “….Đôi mắt người Sơn Tây
     U uẩn chiều luân lạc
      Buồn viễn xứ khôn khuây…”  của Quang Dũng.
      Chúng ta từng hồi hộp lo âu với Yên Thao:
      “….Này anh đồng đội, này bạn pháo binh
      Đã đến giờ chưa nhỉ
     Mà ta nghe trại giặc vỡ tan tành
     Anh rót cho khéo nhé
    Kẻo rót nhằm nhà tôi
    Nhà tôi ở cuối xóm Đoài
    Có giàn hoa lý, có người tôi thương!”.
     Chúng ta từng quay quắt tiếc đau bên “ Những đồi hoa sim” tím ngắt, xót xa vì định mệnh oái ăm đã:
     “… Không chết người trai khói lửa
       Mà chết người em gái hậu phương
       ……
       Chiều rừng mưa nơi chiến trường Đông – Bắc
       Ba người anh được tin em gái mất
       Trước tin em lấy chồng
       ……
       Nắng sớm thu về gờn gợn nước sông
       Đứa em nhỏ lớn lên ngỡ ngàng trông ảnh chị…..” của Hữu Loan.
       Và cả Hoàng Cầm với lời thơ giản dị, dân dã nhưng da diết chân thành:
      “ Em ơi buồn làm chi
       Anh đưa em về bên kia sông Đuống
      Ngày xưa….cát trắng phẳng lì…..”
     Những vần thơ như sải cánh chơi vơi, đưa ta đến niềm giao cảm với ruộng đồng quê hương, đến suối sông của đất mẹ….Chính đó là những tố chất làm nên điệu buồn đặc trưng của thơ Hoàng Cầm, và cũng chính nó, đã cho chúng ta những giây phút mênh mang buồn thương, những xúc động dạt dào với thơ ông-
    Tất cả đó là những cảm nhận riêng tư của mình, xin trình bày một cách chân thành cùng với lòng cảm phục, gởi đến các bạn hôm nay để cùng nhớ đến Hoàng Cầm, người đã từng tâm sự: “ Suốt đời lấy thơ làm cứu cánh, làm mục đích và làm lẽ sống”.
   Đêm   Nguyên Tiêu Thân hữu.
  Trường PTTH.NGUYỄN DU
09-01 Nhâm ngọ 19-02-2002


Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Tiếng hát đêm Noel ...


       

            Tiếng hát đêm Noel.
                  
                                             Trạch An-Trần Hữu Hội.

         Đôi nhân tình quàng lưng nhau . Đi ngang qua hai kẻ ăn xin. Có lẻ là một đôi vợ chồng. Người đàn ông loáng thoáng trong ánh đèn nhiều màu lập lòe chiếu ra từ giáo đường , hai hốc mắt trũng sâu, có vẻ như bị mù. Người đàn bà  gầy gò, trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn , hơi khó nhìn !
       Cả hai dìu nhau đi trong ánh sáng mờ nhòa, trên lưng người đàn ông , khoác ngang cây đàn Guitar gỗ cũ kỹ. Họ  hướng về phía cầu.
         Người con trai dừng bên họ , đặt vào bàn tay của người đàn bà một tờ giấy bạc thật mới. Có lẻ đây là món tiền cuối cùng được bố thí trong đêm Giáng Sinh. Trời đã gần nửa đêm !
         -Nếu ông ấy không mù thì chắc không lấy bà ta, anh nhỉ ?
       -Em có thấy bà ta có vẽ như bị cháy hay bỏng không? Nếu không bị biến dạng thì chắc bà ta không quá xấu, và như thế,  bà cũng sẽ chẳng lấy ông ta !
         -Vậy là họ được Chúa sinh ra cho nhau?
         -Có lẻ ! Định mệnh đẩy đưa !
                                                                
                                                                ***
           34 năm trước .
         Phòng trà mini Dã Quỳ đông nghẹt khách. Đêm Noel lùa khách đến Dã Quỳ  bởi đây là nơi duy nhất không có giới nghiêm . Phần nhiều là lính, với một vài thiếu nữ, là tình nhân của họ… Thành phố Tây nguyên vốn hoang lạnh, càng lạnh hơn khi gió mùa đông từng cơn lùa qua các dãy phố xác xơ, cố gượng đón một mùa Giáng sinh với mấy dãy đèn nơi những máng cỏ , cũng sơ sài như chốn Belem hơn ngàn năm trước !
        Thỉnh thoảng những tiếng nổ ì oành, những trái pháo sáng xa xa trên bầu trời thưa ánh sao, điểm tô cho một đêm Giáng sinh thời chiến !
        Bốn người lính trẻ ngà say bước vào vùng không gian mờ ảo. Trên chiếc bục sân khấu nhỏ gọn, ban nhạc hòa theo một giọng ca nữ, nhẹ nhàng, thanh thoát  với bản nhạc Đêm đông…
        “…đêm đông, ôi ta nhớ mong đường  về xa xa… đêm đông…ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…gió lay ngàn cây ….gió đau niềm riêng…gió than triền miên…”( 1)
        Tấn nheo mắt tìm một chổ ngồi cho cả đám, chiếc bàn cuối vẫn còn…Họ ngồi xuống và tiếng hát nhẹ nhàng cuốn tâm tư họ vút cao…Quên đi cái tiền đồn buồn hiu hắt , nơi 3 giờ trước họ trốn ra với nỗi háo hức…đêm yên bình !
        Tiếng vổ tay  khẽ khàng …
        Tấn gọi bia “con cọp”. Nói nhỏ với cô gái chạy bàn :
        -Anh hát một bản được không  em gái ?
        -Dạ được , anh chuẩn bị đi ạ, lát nữa thôi .
        Tiếng một giọng nam trầm, ấm…là một người lính, với bộ đồ rằn ri, chiếc nón xanh nằm trong túi áo ! “ Thu đi…cho lá vàng bay, lá rơi…cho đám cưới về… ngày mai…người em nhỏ bé…ngồi trong thuyền hoa…” (2)
        Tấn quặn lòng, anh nốc hết ly bia , nhớ đến Thùy  và  những giọt nước mắt  ngày anh nhập ngũ…Rồi lá thư dài báo tin nàng lấy chồng !
        -Anh lên hát đi…
        Bàng hoàng , Tấn bước lên chiếc bục nhỏ…Anh nói khẻ với ban nhạc :
       - “Tiếng hát đêm noel”. Chơi Blue nhé.
       Chàng trai trẻ gật đầu …Tấn mơ màng..

        -“Vầng sao…chìm vào xanh mắt người yêu…Một  đêm …tơ vàng cuốn gió đìu hiu…đường trần …đêm no-el chói lòa ánh đèn, Lời kinh đẹp vầng sao thánh thót…ngân trong giáo đường…
         “Có đôi chim, ngắt bông hoa chiều no-el…bay xuống bên hiên giáo đường…khóc ..nỉ non…
         “Rồi đành …trời đày một sớm chia phôi…Người về để héo duyên rồi…riêng còn tủi hờn mà thôi….”(3)
                                                          ***

          Ầm ! Tiếng mìn claymore nổ ngay trên con đường nhựa loang lổ , hất ngược cả bốn chàng lính trẻ ra sau … tiếng hét chuyển thành tiếng rên rỉ rồi im bặt sau một loạt đạn ngắn . Đêm trở lại yên ắng… thỉnh thoảng vài đóm hỏa châu  ngoằn nghèo trên vòm trời khuya ! cuộc phục kích thật gọn !
         -Báo cáo thẩm  quyền, chỉ mình chuẩn úy Tấn còn thở !
         Trung Úy Thăng chửi thề:
         -Mẹ kiếp, chết lãng nhách ! gọi cứu thương.
        Sáu tháng sau ,  Quân y viện quân khu II, xác nhận: Chuẩn úy Nguyễn phúc Tấn. Mất thị lực 100%.

                                                          ***
  
         Buổi tiệc reveillon của nhóm học sinh lớp 12 ban C vừa tan. Quá 01 giờ sáng. Luyện đi về cùng với Sương , họ đi bộ để tìm chút lạnh thú vị của  đêm Giáng sinh. Có lẻ chút lãng mạn, bởi đôi bạn có chung tâm sự. Họ vừa chia tay người yêu. Hai chàng trai cùng đăng lính tháng trước.
        -Khi không mi hát bản nớ mần tau muốn khóc !
        -Thì  tại từ ngày Thủ đi, tau chỉ thích bản nớ…Bản mi hát còn ác hơn nữa ! “…Không chết người trai khói  lửa… mà chết người em gái hậu phương….!!!”(4)
        Lời ca của bản “ Lời tình buồn” và không khí đằm thắm của  buổi họp mặt vẫn còn vọng lại trong tâm hồn Luyện…
        “Anh đi rồi…còn ai vuốt tóc…Lời  tình thơm sách vở học trò…đêm xuống rồi em buồn không hở…trời sa mù tầm tay với âu lo…Anh đi rồi…”(5)
        Luyện bật khóc !
        Trở về căn nhà nghèo nàn…Mạ ngủ từ lâu. Luyện lên giường, kéo cao chiếc chăn trùm kín người , nhớ Thủ ray rứt ! Giấc ngủ tìm đến trong đêm muộn !
        -Cháy ! Cháy  nhà mụ Hòa …
        -Mần răng chừ ?!
        -Lấy nước, lấy mền ướt…mau…!
        Ngọn lửa bao trùm căn nhà bằng ván ép và tôn ! Mọi cố gắng dập lửa đều vô vọng !
        Luyện nghe toàn thân nóng rát, cố dẫy ra khỏi chiếc chăn mà không được !  Luyện thét lên:
        -Mạ ơi, mạ ơi…mạ mô rồi …
        Tất cả chìm trong tiếng nổ lốp bốp và tiếng la hổn độn …mơ hồ !
        Một trái sáng xuyên mái tôn bếp, gây ra tai họa trong đêm lành !
        Luyện tỉnh lại trong chiếc giường trắng muốt, đau nhức toàn thân…Vị bác sĩ người ngoại quốc , da trắng hồng hào…
        Đây là  bệnh viện của Hạm đội số 7 !

                                                               ***

        Đôi tình nhân lang thang ra khỏi giáo đường, họ đi về phía cầu …thỉnh thoảng dừng lại, những nụ hôn ngọt ngào…Họ ôm  sát nhau, chia nhau hơi ấm…
        Bên mé cầu, nơi khoảng đất trống có một cái chòi nhỏ…Ngọn đèn vàng vọt hắt ra  xung quanh ánh sáng buồn buồn.
        Đôi tình nhân mỉm cười với nhau, dừng lại nhìn vào trong…Hai người ăn xin ngồi cùng nhau bên chai rượu . Người đàn ông mù đặt chiếc ly xuống chiếu:
        -Mình lại hát những bài hát đó nghe em…
        Người đàn bà gật đầu:
        -Dạ, anh hát  trước đi.
        Tiếng đàn thùng trầm ấm:
        “…Vầng sao…chìm vào xanh mắt người yêu…Một đêm…tơ vàng cuốn gió đìu hiu… Đường trần…đêm no-en chói lòa ánh đèn…
        “Rồi đành trời bày một sớm chia phôi… người về đành héo duyên rồi…riêng còn tủi hờn mà thôi…”
        Đôi nhân tình lắng nghe tiếng hát ấm áp, nhẹ nhàng của người ăn xin…và rồi:
        “…Anh đi rồi …còn ai vuốt tóc…Lời tình thơ sách vở học trò…Đêm xuống  rồi …em buồn không hở…Trời sa mù…tầm tay với âu lo…”
        Giọng ca mượt mà vút  lên  trong không gian giá lạnh, trong đêm thanh vắng yên bình ! Nghe như những bài thánh ca …
        Họ chìm vào trong kỷ niệm của một thời xa xưa…
        -Anh, họ hạnh phúc !
       -Ừ, rất hạnh phúc ! Mong cho nhiều tâm hồn đau khổ được hạnh phúc trong  đêm nay !
                                                                       
                                                                        15 tháng XII . 2012
                                                                    Trạch An-Trần Hữu Hội.
     
       
         (1) Bản nhạc : Đêm đông - Của: Nguyễn văn Thương.
         (2)                   : Lá đổ muôn chiều – Của : Đoàn Chuẩn-Từ Linh.
         (3)                   : Tiếng  hát đêm noel – Của :  Ca- Nhạc Sĩ : Duy Trác.
         (4)                   : Áo anh sút chỉ đường tà . Nhạc: Phạm Duy. Phổ thơ : Hữu Loan.
         (5)                   : Lời tình buồn -  Nhạc: Vũ Thành An. Phổ thơ :Chu Trầm Nguyên Minh.
        

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Chu Trầm Nguyên Minh: "Em đi rồi còn ai vuốt tóc,Lời tình xưa...."

                    
             Nhà Thơ: Chu Trầm Nguyên Minh
                          (Phạm Minh Tâm )
                     Sinh : 1943, Tại: Phan Thiết
      http://mp3.zing.vn/bai-hat/Loi-Tinh-Buon-Khanh-Ly/ZWZA08AA.html

                      LTS: Có lẽ với lứa tuổi 18,20… trước năm 1975.  Không ít người hát và yêu thích những bản nhạc “không tên” của nhạc sĩ Vũ Thành An. Ngoài những bản nhạc này, có một bản nhạc không phải lời của Vũ Thành An.  Cũng nỗi tiếng và được nhiều người yêu thích , đó là bài: “Lời tình buồn”  phổ theo thơ của Chu Trầm Nguyên Minh .
                    Thơ Chu Trầm Nguyên Minh như nhiều người nhận định, mang hơi hướng nhạc ...Phan Ni Tấn , người dã phổ bài thơ : "Năm mới" thành ca khúc cũng từng công nhận như thế.
                      Chu Trầm Nguyên Minh hiện nay vẫn còn sống và ở tại Sài Gòn. Ông có thơ đăng trên các website trong và ngoài nước.(Newvietart .Của Từ Vủ- Pháp . Luân Hoán –Vuông Chiếu, Canada, vandanviet.net (Việt Nam)…và nhiều trang khác.
                     Trạch An xin sưu tầm những bài thơ và bài viết về nhà thơ, có cuộc đời cũng buồn như lời thơ của ông. Xin được giới thiệu và chia sẻ cùng bằng hữu .
                                        Trạch An-Trần Hữu Hội.
                                              Tháng 12 / 2012.




                              
Lời Tình Buồn
                           
 

Anh đi rồi còn ai vuốt tóc
Lời tình thơm sách vở học trò
Đêm xuống rồi em buồn không hở?
Trời sa mù tầm tay với âu lo
 
Anh đi rồi còn ai đưa đón
Áo em bay khuất mất thiên đường
Tuổi hai mươi trong vòng tay chờ đợi
Ngôn ngữ nào anh nói hết yêu thương
 
Anh đi rồi còn ai chiêm ngưỡng
Cổ em cao tay mười ngón thiên thần
Tóc em xanh trùng dương sóng lượn
Anh chợt buồn đứng ngóng bâng khuâng
 
Anh đi rồi còn ai tình tự
Đêm đầy trời ru tiếng nhớ bơ vơ
Phúc yêu em dấu lần quá khứ
Nụ hôn đầu rụng xuống hư vô
                                                 Chu Trầm Nguyên Minh


(Có thể nghe bài hát ở MP3.  "Lời Tình buồn "-Vũ Thành An)
 
    Cuối thập niên 1960, những tình khúc lãng mạn của Vũ Thành An xuất hiện ở miền nam như một luồng gió mới, được nhiều người yêu thích, nhất là giới sinh viên học sinh, trí thức và quân đội… Nhạc Vũ Thành An sang trọng, nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người. Chất lãng mạn trong nhạc của ông có một cái gì đó rất gần gũi với tâm trạng của tuổi trẻ lúc bấy giờ: buồn vì chiến tranh , sợ hãi vì phải đối mặt với những hiểm nguy, đau khổ vì chia ly, mất mát. Ngoài những bài không tên và những tình khúc do ông tự viết nhạc và lời, Vũ Thành An còn có một ít ca khúc phổ từ thơ. Một trong nhừng ca khúc phổ từ thơ rất thành công của ông là bài LỜI TÌNH BUỒN.
    LỜI TÌNH BUỒN là bài hát mà tôi nghĩ rằng dạo ấy những người yêu nhạc ai cũng đã từng nghe qua ít nhất một lần. Anh đi rồi còn ai vuốt tóc. Lời tình thơm sách vở học trò. Đêm xuống rồi em buồn không hở? Trời sa mù tầm tay với âu lo.
    Bài hát ra đời năm 1967, cho đến nay đã được 45 năm. Trong 45 năm đó, LỜI TÌNH BUỒN đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng thu âm và trình diễn, trong đó có những ca sĩ hàng đầu như Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Ngọc Lan, Khánh Hà, Duy Quang, Họa Mi, Bằng Kiều… Khi nhắc tới bài hát này, người ta thường nhắc đến nhạc sĩ Vũ Thành An, ít nhắc đến tên tác giả của bài thơ đã được phổ nhạc là CHU TRẦM NGUYÊN MINH, mặc dù trên bản nhạc khi in ra hay băng đĩa khi phát hành đều có ghi rõ: thơ Chu Trầm Nguyên Minh. Có thể do Vũ Thành An thường tự viết lời cho nhạc của ông nên nhiều người nghĩ bài hát này cũng vậy.
    Nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh tên thật Phạm Minh Tâm, sinh năm 1943 tại Bình Thuận. Ông đã trải qua một thời tuổi thơ đầy tự hào nhưng cũng đầy bất hạnh. Cha ông đi kháng chiến, thỉnh thoảng mới tạt về thăm nhà. Ở nhà, chỉ còn lại người mẹ tảo tần nuôi dưỡng 5 người con: Phạm Minh Tâm, ba người chị, và một cậu em trai. Gia đình ông có một căn nhà gạch chắc chắn, nhưng cha ông quyết định đập bỏ, vì “nhà kiên cố Tây nó sẽ lấy để làm đồn bót, thà đập đi còn hơn”. Sau đó, mẹ ông đưa các con vào sống trong khu tam giác Phan Thiết – Ma Lâm – Mưòng Mán. Đây là vùng “xôi đậu”, thuộc khu “oanh kích tự do”, và em trai ông đã chết ở nơi này vì một quả đạn mọt-chê. Đầu năm 1953, Pháp mở cuộc càn quét dữ dội vào khu Tam Giác. Cả cha lẫn mẹ của ông đều bị giết trong cuộc càn quét này.
    Cha mẹ không còn, nhà cửa không còn, mấy chị em cùng một số người khác kéo nhau vào khu rừng Đá Bàn giáp ranh với Lâm Đồng, sống trong bụi cây như người rừng. Khu rừng này cây cối âm u, rắn rết rất nhiều. Một ngày kia ông bị rắn độc cắn, suýt bỏ mạng trong rừng. Mấy chị em sợ quá, không dám ở đó nữa. Đầu năm 1954, bốn chị em về Phan Thiết, chia ra mỗi người sống nhờ vào một người bà con.  Lúc đầu, Phạm Minh Tâm ở với người cậu, sau chuyển sang ở với người chú ở Phú Bình, rồi bắt đầu đi học bậc trung học ở trường Phan Bội Châu (Phan Thiết). Chỗ ông ở cách trường khoảng 7 cây số, không có xe đạp, hàng ngày ông phải đi bộ đến trường. Đôi chân thì nhỏ, trường thì xa, hầu như ngày nào ông cũng phải chạy mới kịp giờ học. Gia đình tan nát vì chiến tranh, mồ côi cha mẹ sớm, sống nhờ vào người chú, ông có những nỗi buồn riêng, và chính những nỗi buồn này đã tạo ra nhiều cảm xúc, đưa ông vào con đường thi ca . Học hành trong một điều kiện hết sức khó khăn như vậy, nhưng với ý chí sắt đá và lòng kiên nhẫn, ông đã vượt qua khó khăn, theo đuổi ngành sư phạm, ra trường 1965, và được bổ nhiệm về dạy Toán tại một trường trung học ở Phan Rang. Cũng từ đây, nhiều người biết đến Chu Trầm Nguyên Minh với những bài thơ xuất hiện đều đặn trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn: VĂN, VĂN HỌC, Ý THỨC…
    Năm 1967, cường độ cuộc chiến gia tăng, nhiều giáo chức được gọi nhập ngũ. Chu Trầm Nguyên Minh nằm trong số đó. Ông nhập ngũ khóa 25 Thủ Đức, cùng khóa với nhạc sĩ Vũ Thành An. Chuyện nhập ngũ lại trở thành cái “duyên văn nghệ”, và bài hát LỜI TÌNH BUỒN (thơ Chu Trầm Nguyên Minh, nhạc Vũ Thành An) đã được Vũ Thành An viết vào năm đó. Điều đáng chú ý là tự thân bài thơ này đã là một bài thơ hay, lời bài thơ rất thật, chất nhạc đã có sẵn trong bài thơ, nên Vũ Thành An dễ dàng chuyển thành một trong những tình khúc hay nhất trong 45 năm qua.  Hiện nay Chu Trầm Nguyên Minh sống ở Sài Gòn.
                                                                                                                                             (August 2012)

                                                                                                                                             
Phạm Cao Hoàng
 
            
peter tran
            
trannangphung@gmail.com
             © Tác giả giữ bản quyền.
           . Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi ngày 03.11.2012
           Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn 
VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
______________________________________________

Thơ Chu Trầm Nguyên Minh



NĂM MỚI

            Tặng Nguyễn tùng Vân

Hãy thắp giùm anh ngọn đèn
Cho anh nhìn rõ mặt ngày vừa đến
Cho anh thấy chỗ chúng ta đang nằm
Cho anh nhớ căn nhà chúng ta đang sống
Cho anh ngậm cuộc tình chưa tan
Hỡi em,cuộc cưu mang chưa đến lúc cùng
Nên hãy mừng năm mới

Hãy thắp giùm anh nén hương
Gọi hồn những người đã khuất
Những người đã bỏ anh lại một mình
Với đời mô côi lệ đắng
Với nỗi chua cay nát lòng
Hỡi em,kẻ đã thề nguyện tân tòng
Chung một đời nghèo khó

Hãy cắm giùm anh cánh hoa
Nơi cánh cửa mở ra cõi ngoài
Nơi linh hồn anh bao lần ứa máu
Nơi có những chuyến xe đi về
Mang theo những điều mộng ảo
Nơi anh ôm em và chúng ta sẽ khóc
Lần cuối cùng cho mãi mãi ngàn sau

Hãy hát giùm anh lời ca xưa cũ
Chỉ lại con đường tuổi trẻ anh đi
Chi lại nhớ nhung ,chỉ lại giận hờn
Chỉ cho anh nơi ngày xưa hò hẹn
Chỉ cho anh ánh nắng mai hồng
Đã chói chang một thời  lãng mạn
Chỉ cho anh,hỡi em
Ngoài tuổi già vừa đến

Hãy nói giùm anh một lời triều mếm
Yêu anh,yêu anh,yêu anh
Dù đôi mắt này giờ đây đã dại
Dù mái tóc này giờ đây hết xanh
Hỡi em,hãy mở vòng tay ngoan
Ôm hết những úa tàn sót lại

Hãy nhặt giùm anh xác pháo
Rơi trên bãi tình nguời
Hãy ủ giùm anh cánh hoa
Úa bên bờ cuộc sống
Hãy chỉ giùm anh chỗ nào
Ngồi chờ cơn phúc đến

Hãy đốt giùm anh ngọn đèn
Thắp giữa căn nhà bao năm tăm tối
Thắp giữa cõi lòng đã hết hoài mong
Hỡi em,kẻ chung lòng khứng chịu
Bắt bóng đời nên mãi mãi tay không

Hãy gắng cười giùm anh thật vui
Đón năm mới như người hạnh phúc
Hãy gắng nuốt giùm anh giọt lệ
Nhìn mặt nhau tình đã sáng ngời
Và trái tim anh xin em cầm lấy
Chút quà riêng xin giữ cho đời

Chu Trầm Nguyên Minh .

*Bài thơ do chính Tác giả  Chu Trầm Nguyên Minh gửi tặng cho Trạch An -Trần Hữu Hội . Ngày 12 tháng 12 năm 2012.)
(Nghe  bản nhạc hoặc tải lại từ: ducavn.com  Tác giả:Phan Ni Tấn. )

HUẾ  MƯA  2

                   Ta về, Huế lại ủ ê
Mưa qua phố cũ , mưa về bến xưa
Câu hò, điệu hát, đong đưa
Cấm sào , sông đợi cho vừa anh sang

Ta về , Huế lại cưu mang
Trong mưa như có tiếng đàn Nam Ai
Tràng tiền mấy nhịp chia hai
Bên ni , bên nớ, nhạt phai bóng người

Ta về, Huế lai vấn vương
Nhớ em , ghé đợi bên đường chờ  mong
Lạnh ngoài hiên, lạnh trong lòng
Sương đâu rơi khắp thinh không mịt mù

Ta về , nghe gió vi vu
Em nghiêng nón đợi cho dù mưa tan
Ta đi , tay nắm vội vàng
Xin mang theo chút  “ối tang, tang tình …”


Chu Trầm Nguyên Minh
Huế 10/10/2012

thơ viết
trên cầu Thạch Hãn
Chu Trầm Nguyên Minh
           Tặng anh Dương Kiền

 Về đây, thương đất, thương trời
Thương mây cuối dốc, thương đồi xa xa
Thương từng ngọn cỏ, cây hoa
Thương vuông đất trắng đã pha máu  hồng

Về đây,thương cã ba sông
Sông Chia, sông Hận, sông dòng Nghĩa Trang*
Không mồ, nên kiếp chưa tan
Hồn soi bóng nươc, lang thang mây trời



Đò suôi, xin nhẹ, đò ơi **
Đấy sông còn đó bạn tôi đang nằm

Về đây, trời lạnh căm căm
Thương em, thương mẹ tháng năm quê nghèo
Giã từ còn mãi trông theo
Lệ nhòa gởi lại, lưng dèo anh qua.

*Sông Chia: sông Bến Hải, sông Hận: sông Mỹ Chánh
Sông Nghĩa Trang: sông Thạch Hãn

** ý thơ Lê Bá Dương

Chu Trầm Nguyên Minh
Quãng Trì 12/10/2012






Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Thẫn thờ...

                         
                     Thẫn thờ…


                 Trạch An Trần Hữu Hội.



Em bỏ thanh xuân cuối góc trời,
Xênh xang áo cưới bước xa khơi…
Buồm vui no gió  trôi đi mãi,
Để lại một người trông lá rơi !

Bàn tay gầy guộc, đời cam khổ,
Hứng nắng chịu mưa cố gượng cười,
Mỗi khi quay quắt nghe lòng nhớ,
Nén ngược nỗi buồn tê tái môi !

Mỗi buổi chiều về , quán khách thưa,
Cà phê buông giọt dưới hiên mưa,
Lén lén nỗi lòng, khơi bóng cũ,
Vần thơ thờ thẫn , viết sao vừa !



                      Tháng III năm 2010.