Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Chuyện về một bài thơ.





          



CHUYỆN VỀ MỘT BÀI THƠ

                                                                      Trạch An -Trần Hữu Hội

Dạo đó, tôi bị vào trại giam Mỹ Đức, còn có tên là PC 25B, với tội danh chưa rõ ràng là: "Phản cách mạng, âm mưu lật đổ chính quyền". Trại thuộc tỉnh Ninh Thuận, nơi tôi cư trú.
Chuyển từ Huyện xuống, tôi được đưa ngay vào biệt giam. Gặp ngày tù nhân đang tắm nên lênh láng nước. Tôi ngồi co ro trên nền xi măng của phòng biệt giam chật chội, chẳng buồn nhìn xung quanh, chỉ có một câu hỏi trong đầu: Phải ở nơi này bao lâu?!
Câu trả lời chỉ có đúng hai năm bốn tháng sau đó.
Người ta thì chỉ ở vài ngày, có khi chỉ vài tuần hay quá lắm là hai tháng, (không tính đến những tù mang án Tử hình vì họ phải chờ phúc thẩm, khoan hồng...có khi đến cả hai năm), không hiểu sao, tôi không thuộc diện đó nhưng vẫn phải ở tới hai năm một tháng trong cái phòng 1m8X2m này (hai người) lâu như vậy. Sau này tôi đoán biết là cùng bị bắt với tôi có 3 người, hai người kia ở nhà H và nhà B, tôi nằm trong biệt giam là an toàn, khỏi liên hệ đươc với nhau!!!
Có được ra ngoài hai tháng ngồi cạo trúc (mành trúc) nên tôi có kinh nghiệm rằng: ở trong ấy tiện hơn ở nhà ngoài, tha hồ nằm, tha hồ nghĩ ngợi, tha hồ nhớ nhà...khỏi lăng xăng lao động, nhất là không đụng chạm với ai để bị báo cáo láo, viết kiểm điểm vô duyên.
Chừng hơn một năm sau, thỉnh thoảng bạn chung phòng rủ tôi cõng nhau đứng trên "thùng cầu" nhìn ra ngoài xem sinh hoạt của trại cho đỡ buồn. Người này đứng lên vai người kia bám vào tường lén nhìn ra ngoài, thấy các trại viên lui tới mà...thèm.
Trại có hai dãy biệt giam D và Đ, tôi không nhớ mình ở dãy nào, chỉ biết nó nằm đối diện với "nhà nữ". Nhà nữ hình như trước đây là một nhà chùa hay nhà thờ nhỏ dành cho Tù trong chế độ cũ, nay dùng cho quý phạm nhân nữ. 
Mới hai sáu tuổi đời, chưa có gia đình nên tôi thích thú nhìn "nhà nữ" khi có dịp leo lên cửa sổ. Có ở trong hoàn cảnh ấy bạn sẽ thấy tâm lý mình thật lạ. Chẳng hạn có một lần nhìn ra, tôi hốt hoảng thấy một đứa bé chập chững trên sân, tôi hét lên vì sợ những phạm nhân qua lại vô tình dẫm chết đứa bé, nó mỏng manh và yếu ớt quá.!! (Con của Trại trưởng hay là Y Tá của trại gì đó). Hậu quả là tôi bị còng hai tay, hai ngày sau mới tha. Hình phạt này tuy không nặng nề gì nhưng thật khổ, bình thường, ta ngứa đâu gãi đó, khi còng hai tay rồi nó ngứa lung tung mà không gãi được, lăn qua lăn lại như một con giun đất, không khác một cực hình.
Hôm ấy, tôi cùng người bạn chung phòng leo lên, nhìn qua nhà nữ như mọi khi. Chao ôi là đẹp! Trước mắt tôi là một cô gái trẻ trung, đứng nhìn trời, hai tay chắp sau lưng tựa người vào cây dừa trước nhà giam... Cô mặc bộ đồ do trại phát, vải thô, màu trắng nhưng được sửa lại gọn gàng và nhuộm thành màu xám, màu duy nhất có thể nhuộm vì thuốc nhuộm là một loại bột màu đen được lấy từ một quả pin (có thể tìm được trong những lần đi lao động bên ngoài).
Dáng hình thon thả quá, mắt ngước nhìn trời vu vơ quá, buổi chiều êm ả quá và tôi...xao xuyến quá!!!
Tôi phải xuống để cho bạn thế chỗ. Hình ảnh cô phạm nhân cứ đeo đẳng trong tôi không tài nào quên được, mà tôi cũng chẳng muốn quên. Mấy lần sau, thỉnh thoảng tôi cũng được nhìn thấy cô ấy, nhưng thật hiếm.
Hồi đó, tôi ít khi làm thơ. Đối với tôi, thơ Tiền chiến là quá đủ cho mình, những dòng thơ ấy là mẫu mực và là đỉnh cao của sự lãng mạn, cứ nhẩn nha với các nhà thơ ấy là quá đủ: Yên Thao, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Nguyễn Bính... đủ quá cho tôi. Nhưng bây chừ, tôi quay quắt với hình ảnh cô phạm nhân này quá, không làm một bài thơ thì không biết nói sao cho vơi nỗi...tương tư. Không bút, không viết, không cả thuốc đỏ để làm mực, tôi cứ nhẩm trong đầu từng chữ, từng câu rồi học thuộc nó:

Nhìn cô Phạm (nhân)

Em trông mây, bên này tôi cũng thế,
Cũng như nhau chúng ta còn quá trẻ,
Tuổi đương xuân và tóc chửa sang màu.
Em môi thơm, còn thoang thoảng hương cau,
Tôi trán phẳng, mới hằn lên nét nghĩ.
Quê em đâu, mẹ cha còn không nhĩ?
Có chồng chưa và có nghĩ gì không?
Tôi mất cha, mẹ già tóc bạc trắng,
Buổi tôi đi người buồn không căn dặn,
Bởi lòng người đã rối rắm như tơ.
Bao đêm rồi chắc hẳn vẫn còn mơ,
Ngày gặp lại đứa con yêu mến nhất.
Tôi hằng nguyện: Mẹ ơi, xin đừng mất,
Trước khi con trở lại sống bên người!!
Tôi có người em tuổi đôi mươi,
Tóc rẻ mái, má hây hồng tươi tắn,
Mỗi sớm mai khi trời chưa ló nắng,
Hai chúng tôi cùng chung lối lên nương.
Chừ ra sao con chim nhỏ thân thương,
Được êm ấm hay cũng vương sầu khổ?!
Bởi vì thế, khi nhìn em dáng nhỏ,
Tôi chạnh thương và nghe nặng trong lòng.
Xa quê hương đào hơn một lần bông,
Mà cứ ngỡ bao lần hoa mai rụng!!!

Ninh Thuận, Mỹ Đức, XI-1981.

Tôi được ra nhà A sau đó vì ghẻ nhiều quá. Nằm bên một bạn nhỏ hơn tên là Hưng, sợ quên đi bài thơ nên tôi đọc cho Hưng nghe, Hưng học thuộc và hứa sẽ đọc lại cho anh tôi nghe khi nào về được (Hưng làm thủ kho của TNXP ở Quán Thẻ, dính líu chút ít thuốc rầy, chủ yếu vì bạn bè...nên chắc chắn về sớm).
Ra nhà ngoài, tôi thất vọng đến không tin những gì anh em cho biết về "cô phạm" của tôi. Làm sao tin được một cô gái dịu dàng như thế lại có thể có mặt nơi đây vì tội "bóp cổ lấy vàng" chịu án tới hai năm!! Cái miệng mom móm mà tôi cho là có duyên lại là do mấy cái răng bên trong không còn!!! Và nữa, giang hồ còn gọi cô là "Thu hăng rết" (hết răng). Ối trời.!!
Tháng sau Hưng về, như đã hứa, thay vì đến nhà, Hưng chép cho anh tôi bài thơ, gởi qua đường bưu điện. Cái nhắc lại đây là vì Hưng quá hiền lành, chỉ biết chân thành thôi, nên viết cho anh tôi rằng :...Em chép cho anh bài thơ của người "khuất mặt"!
Cả mẹ và anh tôi hốt hoảng, khóc lu loa... chắc là tôi chết rồi nên Hưng mới dùng chữ "khuất mặt". Lo lắng lắm nhưng mẹ và anh tôi chẳng làm sao được, chỉ mong đến ngày thăm, hy vọng có tin về tôi!!
Hơn một năm sau, tôi về với cái giấy lệnh tha ghi rõ: Miễn tố. Quản chế tại địa phương 12 tháng. Biết mọi chuyện, tôi muốn gặp Hưng nhưng không biết tìm gặp thế nào. 
Mấy tháng sau, không xin phép địa phương, vì biết xin cũng chẳng được, tôi vào Hàm Tân thăm chị đầu của tôi ở đó. Chuyện trò qua quýt với chị xong, tôi ra chợ Tân Hà. Buổi chiều nên chợ vắng, có quán cà phê ngay chợ với mấy chàng trai trẻ đang uống rượu cùng nhau...
Tôi gọi ly cà phê nhìn bâng quơ ra đường. Tôi đang lơ đãng thì chợt lắng tai nghe phía bàn rượu có tiếng ngâm thơ nho nhỏ. Tôi nghe họ ngâm bài "Đôi mắt người Sơn Tây" của Quang Dũng. Bài thơ này tôi thuộc nằm lòng nên cũng không chú ý lắm, chỉ vui vui vì đám thanh niên này có vẻ "có hồn thơ". Một lát, tôi giật mình vì một bạn đọc “... Tôi mất cha, mẹ già tóc bạc trắng...Buổi tôi đi người buồn không căn dặn...” Tôi quay hẳn qua phía họ. Bài thơ của tôi, sao họ biết được nhỉ? Tôi có viết cho ai đâu, in thì càng không. Tôi gần như quên nó rồi... Lân la qua bàn bên, các chàng trai nhìn tôi nghi ngại không đọc nữa. Tôi hỏi họ với nụ cười thật hiền:" Bài thơ vừa rồi của ai thế?" Một bạn nhìn tôi, chăm chú không có vẻ gì thiện cảm. Thú thực, tôi ăn vận khá nghiêm túc, áo vô thùng, muốn ra dáng cán bộ để... khỏi bị hỏi giấy đi lại.
Vừa may đứa cháu của tôi đạp xe đến. Nó vừa học xong, về nhà nghe cậu vào nên đi kiếm. Ở chỗ mà ai cũng biết ai này cũng hay. Cháu tôi chào họ rồi ngồi bên tôi. So ra cháu tôi nhỏ hơn họ, nhưng vì học khá, lại tính tình vui vẻ nên nhiều người biết.
Không khí đã nhẹ nhàng đi, tôi hỏi lại anh bạn trẻ. Rụt rè anh bạn cho biết là "bài thơ vừa đọc là của một người tù tử hình.!!" Tôi tá hỏa: "Vậy sao mấy bạn biết?" Họ lắc đầu không nói! Tôi bối rối thật lâu. Tôi muốn nói với họ là bài thơ đó của tôi, không phải tù tử hình mà chỉ ở tù hai năm bốn tháng và bây giờ đang ngồi với họ đây... nhưng chắc gì họ tin. Tôi nghĩ có khi mình đọc cả bài thơ thì họ dễ tin hơn. Nghĩ vậy tôi đọc nho nhỏ cả bài thơ. Đang đọc thì một bạn ngồi quay mặt ra đường bỗng gọi to: Hưng! Hưng!..
Tôi quay người muốn vẹo xương sống. Hưng thật rồi, hai chân chà xèn xẹt làm thắng, chiếc xe đạp sườn ngang chở hai rỗ cá hấp phía sau. Tôi lao ra ôm lấy Hưng làm Hưng ngọ nguậy, ngửa người ra sau để nhìn tôi cho rõ: "...Anh Hội! Anh được tha rồi sao?..."
Năn nỉ người chủ quán hấp lại dùm hai con cá ngừ, biết anh em lâu ngày gặp nhau, chủ quán nhiệt tình hơn khi ngỏ ý muốn bán số cá còn lại dùm cho Hưng. Chúng tôi uống nhiều và gần như suốt đêm không ngủ, bên hàng hiên nhà một trong những người bạn trẻ.
Bài thơ của tôi không hay, tôi biết vậy, nhưng hai chữ "tử tù" mà Hưng "phịa" thêm làm nó...hay.!!

Trạch An-Trần Hữu Hội
Ngày 19 tháng XI năm 2012