Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

Bạn Già...




 



Bạn Già 

     - i trời, mày đi đâu lâu nay?
Đang cặm cụi chăm tỉa cho chậu mai dự định sẽ đem vào chưng trong phòng khách mấy ngày tết, bất chợt Phúc xuất hiện trước mặt, Tấn trợn tròn mắt hỏi, còn Phúc thì nở nụ cười làm sáng lên gương mặt khắc khổ nhăn nheo.
Gần ba mươi năm rồi, từ ngày hắn bỏ nơi này ra đi, nói với Tấn là trở vào trong Sài gòn hay đâu đó, tìm một cuộc sống dễ dàng hơn bởi hắn đã quá chán cái chốn rẫy nương nắng gió này.
Cả hai cùng sinh ra từ Quảng Trị, một tỉnh miền Trung giáp ranh với vĩ tuyến 17. nơi con sông ngăn chia hai miền Nam Bắc, sự kiện lịch sử này xảy ra hai năm trước khi cả hai chào đời. không phải sinh ra cùng một nơi. Tấn ở huyện Triệu Phong, một vùng lúa gần biển còn Phúc ở Cam Lộ, một huyện vùng cao.
Chiến tranh liên miên và rồi năm 1972, khi phe bên kia tấn công vào tỉnh lỵ này, họ chạy vào Huế, rồi Đà Nẵng, ở trong những trại tạm cư. Chuyện về lại chốn chôn nhau cắt rốn ngày càng xa vời, vả lại rồi cũng đạn bom tang tóc bởi chiến tranh chưa thôi, nhiều gia đình cùng nhau di dân, vào khai hoang lập cư trong vùng rừng núi này, dưới sự chăm lo của một Linh Mục.
Đoàn xe chở họ vào đây, trong số đó có hai cậu trai, đi ngang qua nhiều nơi mà chúng chỉ biết đến trong những bài học Địa Lý. Núi đồi khe suối và những bãi biển trải dài ven quốc lộ làm cả hai thích thú sôi nổi chuyện trò. Lúc này hai cậu trai vừa xong lớp chin cấp trung học.
Ba năm ngồi cùng nhau nơi ngôi trường tạm bợ bằng gỗ và tôn được dỡ từ trại lính Mỹ ở Cam ranh, rôi thi tú tài, cả hai cùng hí hững khi kết quả kỳ thi được dán nơi văn phòng trường: Phúc đổ hạng Bình, Tấn kém Phúc, chỉ hạng Thứ. Phúc vào Đại học sư phạm Sài Gòn, ngành Khoa Học. Tấn lên Viện Đại Học Đà Lạt, cũng khoa sư phạm, ban Việt- Hán.
Chưa tròn niên khóa thì biến cố 75 ập đến. Tấn không thể tiếp tục việc học hành, anh trở về với gia đình. Cha đi học tập cải tạo, là lao động chính trong nhà, anh vừa đi nghĩa vụ khai hoang, thủy lợi… vừa giúp mẹ làm rẫy. Phúc ỏ lại Sài gòn tham gia các phong trào Thanh Niên, nghe đâu là một trong những phần tử tiến bộ của đoàn Thanh Niên Thành phố, có lần được tuyên dương trên báo Sài Gòn!
Tấn không còn nhớ là bao lâu rồi, một lần đi buôn vào Sài gòn, nghe người quen nói là Phúc làm gì đó trong nhà Văn Hóa quận Một, anh tìm đến và rồi một trận cải vả xãy ra giữa hai người mà đại để là Phúc trách Tấn đi buôn như thế là tiếp tay vơi gian thương làm lũng đoạn thị trường…Còn Tấn, anh bất lực không cãi lại được trước những từ ngữ, lập luận xa lạ mà Phúc đưa ra, anh chỉ đơn giản muốn cho Phúc hiểu rằng là không đi buôn thì không có cái gì ăn, kể cả nước mắm!
Đêm đó Tấn ra ga Bình Triệu, nằm gối đầu lên ba cái bao tải đựng mỳ lát cuộn lại mà hận thằng bạn, những lý luận về kinh tế nghe thật chặt chẻ nhưng không có đếu nào phù hợp với thực tế của cuộc sống nơi Tấn ở. Phúc không chịu nhận ra là cái đói khổ hầu như đã tràn khắp nông thôn.
Một hôm, Phúc trở về sau năm sáu năm, nói là từ trại giam về, không biết sao lại lạ đời như thế! Thì ra là hắn nhiệt tình phấn đấu, nhưng lại làm việc theo cảm tính nên giải quyết một việc gì đó sai nguyên tắc phải vào trại giam một năm vì tội thiếu trách nhiệm. Giờ hắn tiếc là đã bỏ không theo cho hết đại học!
Bà mẹ già nua mừng thấy lại con, em gái hắn lấy chồng nhưng cùng ở trong nhà để hôm sớm chăm lo cho mẹ. Đã về chốn này thì phải làm nông, hắn ra sức làm rẫy nhưng thu nhập sau khi nộp cho Hợp Tác Xã còn lại quá ít, không đủ ăn, vừa làm rẫy hắn vừa theo thắng em rễ học nghề thợ mộc cũng chẳng nên cơm cháo gì, chỉ đi rừng khai thác gỗ lậu, tuy cực nhưng cũng còn có đồng vào đồng ra.
Đâu dược mấy năm, hắn lại đi, lần này hắn đi lâu quá nên ai cũng đoán già đoán non là hắn vượt biển hay bị tai nạn, bệnh hoạn, chết chốn nào rồi. Mẹ hắn mất cũng không biết nơi nao mà nhắn tin!
Thế nhưng hôm nay hắn lại về, vào những ngày cuối năm và đang đứng trước mặt Tấn!
Bên bàn rượu, hai mái đầu không còn xanh như ngày cùng nhau ngồi chung ghế nhà trường, hồi cùng nhau vào rừng khai thác gỗ, chung chia khổ cực ở tuổi thành niên. Tóc cả hai giờ đã bạc nhiều!
Tấn ngồi nghe Phúc kể lại những tháng ngày hắn bỏ nơi này ra đi, vào Sài gòn sống cùng những kẻ không nhà.
                                                                        oOo
 Phúc khoanh hai tay co gối, một cơn gió nhẹ làm sương đêm thêm lạnh, bình trà bằng thiếc của cái quán vỉa hè không đủ giử hơi nóng, đã lạnh ngắt từ lúc nào! Anh ao ước có một góc nhỏ nào đó, đẩy chiếc xích lô vào rồi ngã lưng kéo một giấc qua đêm. Lâu nay anh khá yên ấm dưới cầu thang của chung cư Thanh Đa. Đêm nay lại có đợt truy quét những người không hộ khẩu, làm nhốn nháo những kẻ vô gia cư trú ngụ nơi đây, thưòng thì vài hôm có khi cả tuần rồi đâu lại vào đó, nhưng lần này xem ra quyết liệt hơn, cả chục chiếc xe chở đám vô gia cư về quận ngay trong đêm.
May cho Phúc vì đêm nay có một người khách, thăm thân nhân nằm bệnh viên Chợ Rẫy, giữ anh lại để chở bà ta về sau khi thăm xong. Trở về chung cư, từ xa anh đã biết tin truy quét, anh quay lại đạp về Bình Triệu, nơi đây là nhà ga nên dễ dàng cho ai muốn lẩn tránh những cuộc kiểm tra hộ khẩu.
-Nhà cậu ở đâu?
Tiếng bà cụ bán nước hỏi, ý chừng đã khuya sao không thấy Phúc có ý ra về.
-Dạ con ở trên quận Tám, nhưng đạp xe vùng này, thỉnh thoảng mới về nhà. Mấy hôm ngủ lại bên Thanh Đa nhưng hôm nay kẹt kiểm tra hộ khẩu!
-Gần sáng rồi hay cậu cho xe vào đây, góc này, ngủ đi rồi mai tính. Tôi cũng vào ngủ một chút.
Bà cụ dẹp gọn mấy chiếc chế rồi cúi lưng lòn vào chái nhỏ, trên chiếc giường hẹp, đứa cháu ngoại ngáy say sưa, bà vén mùng nhìn vào rồi đưa tay xoa lên cái bụng bầu đã quá to, thở dài, nhẹ nhàng nắm xuống, trong lòng lo lắng nghỉ đến ngày sinh của nó!
Mười sáu tuổi, đang yên đang lành, hằng ngày bán gánh xôi trong nhà Ga lâu nay, mấy tháng trước, thấy cái nút áo chổ rốn không cài được bà mới tá hỏa, thì ra nó đã mang bầu bốn tháng. Hỏi thì nó khóc bảo là nó thương một thằng buôn gạo ở Tuy Hòa, ngủ với nó hai lần, hắn nói là sẽ đưa bà chị vào xin bà ngoại, đưa cả hai bà cháu ra ngoài ấy làm ăn, nhà hắn rất nhiều ruộng. Từ khi biết con bé có bầu, hắn còn đi buôn theo những chuyến tàu chợ, con bé cũng yên lòng. Nhưng mấy tháng nay rồi không thấy vào ra, đêm nào con bé cũng lang thang tìm ở Ga, trông từng chuyến tàu chợ. Cuối cùng, con bé hỏi đám con buôn Tuy Hòa mới biết là hắn tình nguyện đi nghĩa vu quân sự rồi!
Bà cụ đã quá quen với những chuyện muộn phiền trong cuộc dời khốn khổ, cam phận chấp nhận thêm chuyên dại dột của đứa cháu, nhưng bà lo lắm, cái bụng quá to so với vóc người ốm yếu xanh xao của nó!
Sau hôm ấy, Phúc ở lại cùng bà già, mái chái của bà vậy mà êm ấm, lại được bà lo cho những bữa ăn tươm tất, bà xem Phúc như con. Quen với những kẻ không nhà cửa, phần nhiều ăn nói tục tằn thô lỗ, thấy Phúc khác xa họ, bà mừng thầm trong lòng, dầu sao cũng có một người đàn ông giúp bà trong lúc này lúc nọ. nhất là ngày trở dạ tới đây của đứa cháu ngoại côi cút!
                                                           oOo
Phúc sửa lại mấy cái bao đồ đạc linh tinh, nhét gọn vào dưới ghế của chiếc xe đò rồi ngồi xuống bên bà Tư. hai cánh tay bà ôm gọn đứa cháu trai vừa sinh ba tháng nay, nó sẽ gọi bà bằng bà cố! Hình ảnh mẹ nó rên la rồi thét lên, trợn tròn hai mắt, tay chân buông thỏng trong cáí đêm trở dạ kinh hoàng đó làm bà rơi nước mắt. Đứa bé cất tiếng khóc khi vừa lọt ra ngoài cũng là lúc mẹ nó tắt thở.
Khi Phúc đạp cuốc xe cuối trở về thì con bé trở dạ rên rĩ, anh quên mình là đàn ông, chạy ra nơi đám đông người chờ tàu, hét loạn xạ: “ Có ai biết đỡ đẻ không vào giúp cho cháu tôi với!”. “Cô ơi, dì ơi làm phúc…”
Một bà khá tuổi ăn mặc sạch sẽ đứng lên, tất tả theo Phúc về cái chái, con bé rên la đau đớn, Phúc chỉ cho người đàn bà vào rồi thấp thòm ở ngoài. Anh chạy vào sau tiếng thét cùng lúc với tiếng khóc. Bà Tư ôm cái xác nóng hổi của cháu ngoại, còn người đàn bà thì lau cho đứa bé nhăn nheo…
Phúc cùng bà Tư chôn con bé nơi một nghĩa địa ở Bình Phước. Bà Tư không còn bán linh tinh, suốt ngày ôm thằng bé đi xin sữa ngoài ga.
Mấy ngày nay bà Tư buồn hơn, chiếu lại, khi ăn cơm, bà vừa nựng đứa bé, nói với giọng nghèn nghẹn:
-Dì tính vế dưới đó con ạ, dì già rồi, nó là con trai, ở trên này lớn lên dễ hoang tàng hư hỏng, dưới quê vậy mà không đến nỗi nào, có bà con chòm xóm…cháu cứ ở lại đây cho đến khi nào người ta đuổi…Hừm, băm mấy bốn chục năm về lại, ai còn ai mất mà cậy nhờ đây!
Phúc khó ngủ, lũ muỗi đâu đêm nay như kéo lại nhiều hơn, anh lững thững ra ga, tìm tới cái chiếu bán cà phê gọi một ly, ngồi xếp bằng trên chiếu, đốt thuốc nhìn vu vơ.
Phúc nghĩ tới bà Tư, sáu mươi mấy tuổi rồi, giờ về quê làm gì nuôi đứa cháu? Nó lớn lên với sông rạch miền Tây có khá hơn chốn này không nếu chẳng có ai chỉ bày cho nó, hay rồi cũng bỏ lên Sài Gòn, đi đâu đó lang thang!
Sương xuống lành lạnh nhưng sân ga vẫn bình thường với sinh hoạt ồn ào cố hữu, Phúc trở về, nằm lên chiếc xích lô, vẫn còn nghe tiếng thở dài của bà Tư. Anh thiếp đi với ý nghỉ: Cùng bà Tư vế miền Tây, anh sẽ nuôi dạy thằng bé cho dù thể nào!
                                                                oOo
    Lâu rồi, Tấn chỉ uống rượu cầm chừng, nhưng hôm nay anh uống thật tình cùng Phúc. Anh nhìn bạn, gương mặt Phúc ngồ ngộ, nhòe nhòe như qua một lớp gương:
-Mày không nghĩ dến bà già và em gái ngoài này à?
-Mấy năm sống vật vờ tao nhớ lắm, muốn quay về cùng mẹ và em,  nhưng cái đêm nằm nghe tiếng thở dài của dì Tư tao thấy thương cuộc đời cô quạnh của bà và thằng bé mới chào đời. Bà già và em gái thì xa, ngay bên minh đây cũng hai phận người một bà già một trẻ thơ. Thôi thì cũng một kiếp người mà tao phải đi qua, con đường nào cũng là đường, tao chấp nhận cưu mang. Giờ thì ổn rồi. nó cứ đòi về thăm quê nội, ừ thì cho nó về, sang năm nó ra trường, lo cho nó một chỗ làm, rồi vợ, rồi con…Trong cõi vô thường, cao to như cổ thụ, cũng đâu có khác gì đóa phù dung!
Như sực nhớ ra đều gì, Tấn hỏi Phúc:
-À mà sao hồi ấy mày ở tù?
-Tao bán chiếc xe hơi nằm đống mấy năm trong sân phòng Văn Hóa cho tụi Chợ lớn, mua gạo chia cho anh em ăn tết!
-Mày vẫn thích gì làm đó?
-Ừ cái tính rồi, thấy thích thì làm, ít khi cân nhắc phân vân, không sao thay đổi, mà tao cũng chẳng nghĩ đến chuyện phải thay đổi. Thôi tao về kẻo thằng bé lo.
-Ở lại, ở lại với tao, tụi mình nằm chung như cái hổi trai trẻ. Qua tết là tụi mình sáu chục rồi, có chết cũng được ghi là “hưởng thọ” thay vì “hưởng dương” trên tờ cáo phó, mau thiệt!
-Ừ mau thiệt, đi ngủ, mày còn gác như hồi xưa không?
-Bỏ lâu rồi nhưng đêm nay tau kẹp cổ mày cho nó sướng.
-Ừ, cho mày kẹp.
Hai cái thân già xiêu vẹo dìu nhau đi trong bóng đêm mờ mờ hơi sương, lành lạnh buổi cuối đông. 
 
                                                                Trạch An Trần Hữu Hội
                                                                   Sài Gòn, 18 tháng 1 năm 2015.

 











Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Tập truyện " Số mạng" giới thiệu trện trang web site Art2all.


   

Sau tập truyện " Hạt Mầm trót vay" XB năm 2014, Do Hội nhà văn. (Nhà XB Chương Văn ấn hành lại ở Hoa kỳ, phát hành trên mạng phân phối Amazon.) Đã dược quý thân hữu và bạn đọc đón nhận.
Tháng 4/2017. Trạch An-Trần Hữu Hội xuất bản tập truyện ngắn " Số Mạng".  nxb Giao Chỉ - Hoa kỳ. Phát hành Amazon.
Và gần đây, tập " Hoa Nở sau Giao Thừa" cũng được chuyển đến thân hữu ( Bản FDI, Ebook. )
Trạch An-Trần Hữu Hội giới thiệu đến thân hữu, bạn đọc...qua bản FDI, với sự giới thiệu của trang art2all. Chân thành cảm ơn sự đón nhận của thân hữu va bạn đọc.




 Trạch An-Trần Hữu Hội.

Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

THỨ THA VÀ TỰ HỐI TRONG TƯ TƯỞNG CỦA DOSTOIEVSKY




THỨ THA VÀ TỰ HỐI
TRONG TƯ TƯỞNG CỦA DOSTOIEVSKY

Cảm nghĩ sau Giáng sinh, từ Dostoievsky,
người tôi kính phục và ngưỡng mộ.
                               
Trạch An-Trần Hữu Hội.


                                         Fedor Mikhailovich Dostoevsky, (1821- 1881)

         Những ngày kỷ niệm 2017 năm, ngày Giáng Sinh Giesu Nazaret, đứng cứu chuộc ra đời, theo niềm tin của Người Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo…vừa qua. Cũng theo niềm tin này, sự bằng an lại một lần nữa, đến với những con người thiện tâm.

Chính Chúa Giesu đã nói: Ta đến để đem lại bằng an cho các con.
Bằng an ở đâu? Đó là sự bằng an ngay trong những tâm hồn biết cảm thông và tha thứ, biết tự hối và hòa giải.

Fedor Mikhailovich Dostoevsky, (1821- 1881): Một nhà văn Nga, suốt đời đi tìm chân lý ấy với nỗi xao xuyến luôn hiện hữu trong lòng, bằng những trải nghiệm và ưu tư từ bản thân. Ông đã trở nên vĩ đại qua những gì mà ông cảm nghiệm được rồi viết nên những tác phẩm… mà cho đến nay, vẫn còn làm cho nhân loại chiêm nghiệm, ưu tư và luận bàn…

Nikolai Berdiaev, một nhà phê bình Nga, vào thời đó, đã nhận định: “Tác phẩm của Dostoevsky mang lại một đóng góp đáng kể vào ngành nhân chủng triết lí, vào triết học về lịch sử, về tôn giáo và về luân lí. Giá trị của Dostoevsky vĩ đại đến nỗi dân tộc Nga chỉ cần gọi tên ông cũng đủ biện minh sự hiện hữu của mình trên thế giới”.

Thời kỳ Dotoievskty trưởng thành, Nước Nga rơi vào khủng khoảng Kinh Tế, Đạo Đức và Chính Trị …trầm trọng. Năm 1847, Dostoevsky tham gia vào nhóm Petrashevsky, một diễn đàn do Mikhail Vasilevich Petrashevsky - một người chịu ảnh hường của Fourier (Pháp) khởi xướng. Như phần lớn các diễn đàn của giới trí thức ở kinh đô Peterburg bấy giờ, đó là một tập hợp phức tạp của trí thức, sinh viên, viên chức,... chủ yếu thảo luận văn học và nhất là triết học phương Tây, cũng như một loạt các vấn đề xã hội khác. Tuy không có quan điểm chính trị rõ rệt, phần lớn hội viên bất mãn với chế độ quân chủ Nga. Bất an về cuộc cách mạng 1848 ở châu Âu, hoàng đế Nikolai I đã quyết định đàn áp các diễn đàn như vậy. Ngày 23 tháng 4 năm 1849, Dostoevsky bị bắt. Sau 9 tháng nằm tù trong hầm pháo đài Petropavlovskaya, Dostoevsky cùng 15 người khác bị đưa ra tòa và bị kết án tử hình. Ngày hành hình, họ đứng tựa cột trong thời tiết lạnh giá, những thanh gươm được bẻ trên đầu những ai thuộc dòng quý tộc, biểu thị Danh dự quý tộc đã bị tước đoạt để chờ đợi một loạt đạn…Thế nhưng, vào phút chót lệnh hành hình bị bãi bỏ, một lệnh ân xá của hoàng đế vừa kịp chuyển đến. Thay vào đó, họ bị kết án 4 năm lao động khổ sai tại Omsk, thuộc tây nam miền Xibia. Sau khi trở về từ chốn lưu đày, Dostoevsky lần lượt cho ra đời những tác phẩm lớn:
-1864. Hồi ký viết dưới hầm. (Notes from Underground)
-1866. Tội ác và hình phạt. (Crime and Punishment)
-1869. Gã khờ. (The Idiot)
-1872. Lũ Quỷ ám. ( Demons)
-1880. Anh em nhà Karamazov. (Brothers Karamazov)

Những ấn tượng từ nhà tù Omsk luôn đè nặng trong hồn ông, nhưng câu chuyện về một nhân vật, cũng bị lưu đày, ám ảnh ông nhiều hơn cả và là đề tài, nguồn cảm hứng cho ông viết nên tác phẩm vĩ đại vào cuối đời, đó là:“Anh em nhà Karamazov”.
Đó là một trung niên, một kẻ nguyên là sĩ quan trong quân đội Nga Hoàng, một kẻ có tiếng là ăn chơi trác táng, điếm đàng trong xã hội, của thủ đô Saint Peterburg bấy giờ, cũng đi đày nơi đây, hắn mang bản án lưu đày chung thân vì tội: “Giết cha đẻ của mình”
Không ai trong nhà tù không biết hắn, không ai không khó chịu trước sự vô tâm vô tư đến thô bỉ của hắn. Thực ra hắn không thô bỉ, hắn vui cười ăn uống sinh hoạt “ rất bình thường”. Thái độ này khác với mong đợi, hay ít ra là quan niệm của mọi người, dù là tù nhân, nhưng vẫn còn trong họ chút nhân tính, chút đạo đức, chút luân lý…nhưng thiếu chút cảm thông. Kẻ Giết Cha, theo họ, hắn phải ngồi bó gối, rầu rĩ, ăn không ngon, ngủ không được và có thể phải ngày đêm đấm ngực thình thịch, đày đọa mình như một khổ tu để tỏ lòng ăn năn mới đúng!
Nhưng rồi, rất bất ngờ, dù là khá muộn, mười hai năm sau. em ruột hắn, một kẻ trí thức khôn ngoan, giàu có…tìm đến nơi lưu đày, quỳ xin hắn tha thứ:
- Chính em đã giết cha, em sẽ tự thú đễ thay anh lưu đày!”
- Chú về đi, như thế chú cũng đã chịu sự trừng phạt, đã khổ dau…Anh quen rồi!

oOo

Thiện và Ác là hai khái niệm, hành vi, luôn tồn tại song hành. Ta có thể là người đạo đức, bao dung…luôn ăn ngay ở thẳng, nhưng Ta cũng có thể là kẻ dối gạt phỉnh phờ độc ác, thực thi những hành vi bất nhân, đem đến khổ đau cho người khác, cho bạn hữu và cho tha nhân…

Tâm hồn con người là một bãi chiến trường mà trên đó luôn xảy ra tương tranh giữa điều thiện lành và sự ác độc!” Dostoievsky cũng đã cảm nhân sâu sắc về đều này khi nói như thế.

Bản chất loài người vốn không phải lúc nào cũng đê tiện hiểm độc, và cũng vậy, không phải lúc nào ta cũng mưu mô, bất lương… nhưng hoàn cảnh và sự vô tâm luôn là động lực làm ta nghiêng bên này hay bên kia. Bởi thế, quyền chọn lựa là nơi chủ thể và luôn luôn là nơi chủ thể gây ra hành vi. Tất nhiên, trách nhiệm cũng thuộc chủ thể ấy!

Ta có tự do trong hành vi không? Hãy dũng cảm mà nhận rằng ta có tự do trong lúc lựa chọn mỗi hành vi mới tự mình biết hối hận, mới dám lãnh chịu trách nhiệm về tư tưởng, lời nói, thái độ với hậu quả mà ta gây ra, từ hành vi đó…

“Sự gì ta không muốn kẻ khác làm cho mình, ta cũng đừng làm cho người khác”.

Tòa án của trần thế lắm khi mù lòa, nhưng bản án của quan tòa lương tâm thì sáng suốt. Câu chuyện người em tìm đến tận Xybiria để thự thú với anh mình trước, hứa sẽ ra tự thú với tòa án trần thế để chịu đi đày thể hiện lòng tự hối, ý thức phản tỉnh không cho anh ta yên với những gì có được sau việc làm bất chính: Giết cha rồi ngụy tạo cho anh mình những chứng cớ tội ác. Tòa án trần thế đã không đủ sáng suốt để thấy hết chứng cứ, và bản án đã được thực thi. Nhưng khi kẻ thực sự có tội, quay lại tự vấn, đối diện với chính mình, đối diện với lương tâm mình thì mọi sự hoàn toàn khác.

Sau khi tự dày vò, chịu hình phạt vô hình nhưng không kém nghiệt ngã của lương tâm, người em cần đến sự thứ tha của anh, chưa hết, anh ta cần đối diện với tòa án, để nhận chịu hình phạt hữu hình của trần thế, để chịu khổ đau nơi chốn lưu đày.

Ôi, Xin Thiên Chúa toàn năng vô cùng, qua sự kiện đấng cứu độ, xin cho con người biết thông cảm thứ tha, biết tự hối, biết khước từ sự ác hiểm, tỵ hiềm, ích kỷ, nhỏ nhen…biết hòa giải… để bình an luôn hiện hữu nơi thế trần đau thương…


Sài gòn 29/12/2017.
Trạch An-Trần Hữu Hội
http://www.art2all.net/





Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

Giàng sinh về, Thân kình chúc quý thân hữu một mùa giáng sinh an bình, một năm mới nhiều thuân lợi, hạnh phúc.

                                       

Trạch An-Trần Hữu Hội Thân kính chúc quý thân hữu Một mùa Giáng sinh an lành, một năm mới an khang thịnh vượng.

              ( Mời nghe nhạc Giáng Sinh Paris by Nigh Giáng sinh 2015)

                      https://www.youtube.com/watch?v=rnF2PZi5Xes


 
                           

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Bài thơ do Nhà thơ Luân Hoán viết tăng trong" Guong mặt người quen" trong Faceboook Luân Hoán.

Hai bài thơ nhà thơ Luân Hoán đề tặng.

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=889617611213734&id=100004965108519



fbid=889617261213769&set=a.308214002687434.1073741828.100004965108519&type=3&theater )


TRẠCH AN TRẦN HỮU HỘI
HẠT MẦN TRÓT VAY
dựa lời trích gọn lưng bìa
tổng quan tập truyện tuy "sûr" nhưng mà
chắc thiếu sót nhiều nụ hoa
ông trồng trong chữ nở ra âm thầm
"mỗi người là một hạt mầm
định mệnh vay mượn từ lòng hư vô
rồi mai kia dẫu thế nào
cũng về đâu đó ở trong vô cùng"
tạm dịch chính lời văn ông
giới thiệu tác phẩm mặn nồng nhân sinh
tôi đỡ vụng tán linh tinh
để khoe có sách đáng trình bà con
Luân Hoán
10.17 AM - 09-11-2015
                                                       ( https://www.facebook.com/hoi.tranhuu.7)

GỞI BẠN T.A TRẦN HỮU HỘI


Luân Hoán
@
nhiều năm trước tôi chưa vào facebook
anh ghé qua thăm vuông chiếu của tôi
rẻo đất ảo cỏ hoa đang trồng tỉa
ngọn bút anh góp làm đẹp chỗ ngồi
tình quê mẹ nồng thơm câu anh gởi
sông núi ngát xanh theo những dòng văn
tôi trân quí hồn tình vừa chín tới
cõng xóm làng ôm ngày nắng đêm trăng
trong im lặng đã xem nhau như bạn
chẳng tao mày để ấm áp tình thân
đời đã tặng văn thơ giàu lãng mạn
gần nhau hơn qua tương kính nhẹ nhàng
tôi bỗng thấy được anh qua facebook
thật bàng hoàng như chợt ngắm chính tôi
đồng bất hạnh làm người không toàn vẹn
thảng thốt chia nhau đôi chút ngậm ngùi
mỗi lần ngắm anh vui cùng bè bạn
chân so le đang gắng giữ thản nhiên
tôi nghe rõ lòng mình đang se sắt
bâng khuâng thương như thương chính mình riêng
anh can đảm hơn tôi trong cuộc sống
trước đám đông như không ngại điều gì
cùng cặp nạng rong chơi trong lận đận
tin yêu đời thương tật nào đáng chi
tôi thì khác đã quen đi lững thững
hụt hẫng ngay với khoảng trống dưới chân
dẫu bề ngoài ngó qua như thứ thiệt
cái giả không che kín nỗi ngại ngần
tôi chẳng trách chi đời, anh cũng vậy
chúng ta vui chấp nhận tiếp cuộc chơi
dẫu thường trực nhức đau khi trời động
và đương nhiên nhiều lúc hận kêu trời
tâm trạng xấu tôi, anh, người đồng cảnh
tự hiểu thầm đâu cần nói chi đây
món quà mọn anh đọc qua khó thấy
nỗi tình tôi hời hợt vụng trong này
tôi học cách yêu đời từ bè bạn
có cả anh cụ thể góp lạc quan
tạ trời đất chúng ta tuy đồ bỏ
vẫn giữ tâm nuôi hơi thở đàng hoàng
viết là sống để chờ ngày đáo hạn
tôi cùng anh hay bất cứ những ai
thừa can đảm không mong đời thương hại
còn sống còn chơi, anh chớ thở dài !
Luân Hoán
5.45 - 19.11.2017
viết khi xem trận QN vs HN
https://www.facebook.com/hoi.tranhuu.7

___________________________________

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

Hoa nở sau giao thừa- Tập tuyên ngắn do Tapatalk, Ebook xuất bản.



Ebook vừa tuyển chọn và xuất bản tập truyện ngắn: "Hoa nở sau giao thừa" của Trạch An-Trần Hữu Hội. mời bạn dọc xem bằng bản FDI

https://mega.nz/#!gbRDzLDD!tdolXOYL8V8HPU5pcrRbu9PtJb5kBlXwpobcXiOYi64





Chúc bạn luôn vui khỏe và an bình.
Trạch An-Trần Hữu Hội.
(Bôi đen link. kích chuật phải, bân chọn Đi đến http, Mega.....rồi doawloard. ( Cũng rất dẽ...)

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Cõi tạm. Mai Thảo. (Sưu tầm)


Hai bợm nhậu ngồi bên chai rượu đã cạn quá nửa. Một ông hỏi.
“Ông bạn nghĩ là có thế giới bên kia hay không ?”
Ông bạn gục gặc đầu.
“Có chứ! Mà chắc ở bển cũng vui vẻ lắm, nhậu nhẹt lu bù.”
“Sao ông biết ?”
“Thì ông thấy đấy. Mấy chả đi có cha nào thèm quay về đâu !”
       


CÕI TẠM Gởi các ban già....Đọc để yêu đời
Mai Thảo
Nghỉ hè nghỉ phép, ta thường đi chơi xa, trú ngụ tạm tại khách sạn. Dăm ba bữa nửa tháng, lại trở về nhà. Thường khi về nhà, lọt vào khung cảnh cũ, ngả mình trên chiếc giường quen thuộc, ta luôn luôn cảm thấy thoải mái, thú vị. Khách sạn là cõi tạm, nhà là cõi thực. Cuộc đời này là một cõi tạm. Hầu như mọi người đều nghĩ như vậy. Nhưng cái cõi tạm này, chúng ta tạm trú hơi lâu, quen hơi quen tiếng, nên khó rời. Biết là tạm mà vẫn cứ thích ở... khách sạn !
Ông bạn da đen của tôi, rất tha thiết được chầu Chúa, đạo Cơ Đốc thuần thành, Chúa Nhật nào cũng đi nhà thờ, trong túi không bao giờ quên tờ giấy hai chục đô cúng dường, cuốn Thánh Kinh luôn luôn đeo theo người, nói câu nào cũng mời Chúa về góp tiếng cho chắc ăn. Một bữa, thấy ông vất vả với công việc, tôi giỡn.“Này, Gabriel, cuộc sống coi bộ nhiều mồ hôi quá nhỉ?”Bạn tôi cười nhe hàm răng trắng lạnh.“Đời mà! Chúa đã phán “Con phải đổ mồ hôi trán lấy bát cơm ăn”. Mình cứ phải theo ý Chúa vậy chứ sao.”Tôi làm bộ tỉnh phán theo.Tôi thấy cậu là con cưng của Chúa, sao không xin Chúa cất về ngồi bên chân Chúa cho nhàn hạ cái thân !
Gabriel lắc đầu quầy quậy.
“Còn sớm quá ! Tôi còn mấy đứa con nhỏ phải nuôi, chắc Chúa cũng hoãn cho một thời gian nữa chứ !”
Bạn tôi không nói rõ một thời gian là bao lâu, nhưng bằng vào cái lắc đầu hung hãn như vậy, tôi dè chừng chắc là phải lâu lắm !
Một ông bạn khác, ung thư thời kỳ cuối, con cái đã chồng vợ đâu vào đấy, đời chẳng còn gì phải lo lắng, cuộc sống rất thoải mái về vật chất, nhưng cái đau đớn của tật bệnh thật khôn lường, chép miệng than thở khi tôi tới chơi.
“Mình cũng tới tuổi rồi. Nhưng nếu Trời cho ít năm nữa thì quý hóa quá !”
Sống có vất vả, đau đớn đến thế nào chăng nữa, vẫn cứ thích bám vào cõi tạm. Sao vậy ? Bởi vì cái cõi mà người ta gọi là vĩnh hằng, miên viễn, vô ưu... ta chưa hề biết tới chăng ? Hay là bởi vì từ cõi tạm bước qua cõi thật đó, người ta phải xuôi tay nằm dưới ba tấc đất hoặc uốn người trong ngọn lửa thiêu ? Toàn những trò khó chơi cả.
Nhà sinh học Susanne Wiigh-Maesak, người Thụy Điển, vừa phát minh ra một trò mới. Trò này coi bộ dễ chịu hơn. Thi hài người chết sẽ được làm lạnh cực nhanh đến -18 độ C và sau đó nhúng vào nitơ lỏng có nhiệt độ -196 độ. Thi hài, sau khi được lấy ra khỏi dung dịch siêu lạnh, trở nên giòn tan như kính và vỡ vụn thành một hợp chất dạng bột. Tất cả số nước còn lại được hút vào một khoang chân không, trước khi cho chạy qua một màn kim loại để lọc bỏ tất cả những vật thể còn sót lại (những thứ cấy ghép trong thân thể) chưa phân hủy. Bột thi hài, sau đó, có thể được thiêu đốt, hoặc được chôn trong một quách làm bằng tinh bột bắp, đặt trong hố nông khoảng 30 phân. Sau khoảng một năm, oxy và vi khuẩn sẽ phá hủy chúng hoàn toàn, biến thi hài trở thành cát bụi. Bà Wiigh-Maesak cho biết bà đã đăng bạ bản quyền phương pháp này ở 35 quốc gia. Phương pháp này giúp tránh làm vẩn đục môi trường như hai phương pháp thông dụng hiện nay là hỏa thiêu và chôn dưới đất quá sâu làm trì trệ quá trình phân hủy.
Không phải là các nhà sinh học, mấy ông bạn tôi cũng bầy ra nhiều cách... vượt biên từ cõi sống qua cõi chết vui lắm. Như ông Du Tử Lê chẳng hạn.
đời lưu vong không Khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển
cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi sao trở lại quê nhà
Ông Luân Hoán còn cãi cọ với... thinh không.
Không từ đất sao phải về với đất
thịt xương này không thể mất khơi khơi
khi tôi chết xin đem giùm thi thể
chia cho thù lẫn bạn nhậu chơi
Ông Lưu Nguyễn cứ thiên thai lơ lửng.
Mai này ta sẽ ra đi
người ơi có nhớ có gì nhắn không
trăm năm mây trắng bềnh bồng
về nơi đã đến mà lòng thảnh thơi
Dặn dò rối rít xong các ông ấy đi... uống cà phê. Bởi vì cái chết vẫn chưa trong tầm mắt. Cõi tạm này mới đích thực trong tầm tay. Tạm lâu ngày dễ có ảo tưởng đây mới là cõi thật.
Đời người được bao lâu ? Trăm năm trong cõi người ta. Trăm năm ? Mấy người được trăm năm ? Bà cụ 114 tuổi của kỷ lục Guinness vừa qui tiên, nhà cầm quyền Việt Nam đang vận động cho một cụ bà Việt nam, cũng 114 tuổi, được ghi vào thay thế. Lóng rày, coi bộ Việt Nam ham giữ kỷ lục thế giới dữ. Hết bánh dầy, bánh chưng, bánh tét lớn nhất thế giới (có ở đâu khác làm thứ bánh này không nhỉ ?), nay muốn đầu tư vào kỷ lục tới sự sống của con người (bệnh kỷ lục có phải là một biến tấu thời mở cửa của bệnh thành tích ngày cũ chăng ?). Kỷ lục là thứ xịn. Thường thường bực trung khó với tới. Ông anh tôi bảo cứ sáu chục cái xuân già là gỡ đủ sở hụi rồi. Thêm được năm nào là bonus của trời đất, cứ hân hoan mà cám ơn!
Trong cái thời gian sống chỉ là tích tắc so với đời sống của vũ trụ, con người quậy như điên. Đủ món ăn chơi. Kèn cựa, khích bác, tranh giành, lừa đảo, xô đẩy, chém giết... nhau. Mỗi người cố thu vén cho riêng mình. Nhà sang, xe xịn, lợi danh, tiền bạc... Mặc sức mà vung tay vung chân. Mặc sức mà lèn cho đầy túi tham. Nhiều người sống trong cái sân si tối tăm trong suốt cuộc sống. Trẻ, tiết vịt còn chảy rần rần trong người, hung hăng con bọ xít đã đành. Già, máu tưởng đã phải nhiễm lạnh mà vẫn cứ sân sân si si phát khiếp. Như Bà Margaret Ann Thomas-Irving, 58 tuổi, cư dân ở Hartford, Connecticut chẳng hạn. Từ tháng 10/2002 đến tháng 7/2003, trong vòng chưa đầy một năm, đã một mình cướp nhà băng tới 12 lần. Tổng cộng số tiền cướp được là 19 ngàn đô. Vũ khí của bà chỉ là khẩu súng đồ chơi con nít, hoặc ngon hơn, chẳng súng siếc gì cả chỉ dọa nhân viên ngân hàng là trong ví có súng là họ nộp tiền ngon ơ !
Cướp có nghệ thuật hơn là hai vợ chồng James Roland Clark, 71 tuổi, và Deloris Jane Clark, 66 tuổi, dân Florida. Ông chồng xách một bao cát vào ngân hàng dọa là chất nổ, bà vợ rồ sẵn máy xe chờ ở ngoài cửa. Cướp xong ông chạy ra phóng lên xe vù mất. Nhờ một gói thuốc nhuộm cho phát nổ sau đó cảnh sát mới tóm được hai ông bà già chịu chơi này. 
Bà già Connie Parker, 74 tuổi, cư ngụ ở Nassau, tiểu bang Nữu Ước vừa trúng số độc đắc 25 triệu. Khi đi lãnh thì, sau khi trừ thuế má, bà cầm tay được 7,3 triệu. Bà ôm chặt lấy tiền, nhất định không chia cho ông chồng Kenneth Parker, 77 tuổi, đang bị ung thư phổi thời kỳ cuối. Ông chồng cho biết là ông đã đưa cho bà 20 đô để bà đi mua số nhưng bà cãi lại bà đã mua số bằng tiền riêng của bà. Ông chồng tức giận đâm hai đơn một lúc. Một đơn đòi chia tiền, một đơn xin ly dị sau 16 năm rưỡi chung sống. Rút cục, cụ đi đường cụ tôi đường tôi, và bà Connie phải thỏa thuận chia cho ông chồng một số tiền không rõ là bao nhiêu nhưng, theo tiết lộ không chính thức, là một phần ba số tiền bà lãnh.
Thất thập cổ lai hy. Hiếm có thiệt ! Sống đã từng ấy tuổi tưởng tay chân đã làm biếng nhấc lên nhấc xuống, ai ngờ vẫn cứ chụp giật như máy. Để làm chi ? Ôm về cõi viên mãn chăng ? Cõi bình an đó có cần những thứ phù phiếm của cõi tạm này không ?
Một cặp vợ chồng già đã trên 80 tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Họ ăn uống kiêng khem và tập thể dục hàng ngày. Không may hai cụ qua đời do một tai nạn xe buýt, họ lên thiên đàng và được thánh Phêrô đón tiếp nồng hậu. Thánh Phêrô đưa hai người đi coi nhà bếp khổng lồ, hồ bơi, phòng tắm hơi, sân chơi golf... Lóa mắt vì sự sang trọng của ngôi nhà, cụ ông hỏi thánh Phêrô.
“Chúng tôi có phải trả tiền cho những thứ này không ?”
“Tất cả đều miễn phí, đây là thiên đàng mà!”
Đến giờ ăn, thánh Phêrô đưa hai cụ đến môt phòng ăn sang trọng, thức ăn ê hề. Cụ ông hỏi.
“Thưa Ngài, tất cả các món ăn này cũng miễn phí cả sao ?”
“Tất nhiên!”
Cụ ông lại rụt rè hỏi tiếp.
“Chúng tôi có thể ăn tùy thích, không phải lo ngại dư mỡ, đường, cholesterol chứ ạ ?”
“Không, tôi đã bảo là cụ đang ở trên thiên đường cơ mà ! Cụ có thể ăn uống no say tùy thích mà không sợ bị mập phì, đái đường hay nhồi máu cơ tim gì cả.”
Bỗng nhiên mặt cụ ông trở nên đỏ gay, quay sang cụ bà quát to.
“Tất cả do lỗi của bà ! Nếu bà không ép tôi phải ăn uống kiêng cữ và tập thể dục hàng ngày thì tôi đã lên đây sớm hơn mười năm rồi !”
Cái cõi mông lung đó đâu phải chỉ có thiên đường. Những nơi khác có vui như vậy không ?
Hai bợm nhậu ngồi bên chai rượu đã cạn quá nửa. Một ông hỏi.
“Ông bạn nghĩ là có thế giới bên kia hay không ?”
Ông bạn gục gặc đầu.
“Có chứ! Mà chắc ở bển cũng vui vẻ lắm, nhậu nhẹt lu bù.”
“Sao ông biết ?”
“Thì ông thấy đấy. Mấy chả đi có cha nào thèm quay về đâu !”
Dương sao âm vậy.. Dân gian vẫn cứ tin như thế. Cái cõi đầy bí ẩn đó được hiểu như là một nối dài của cõi tạm này, cũng có cuộc sống và những cung cách sống cụ thể như nhau. Vậy nên mới có dịch vụ gửi UPS không thiếu thứ gì qua cõi mờ ảo đó. Nhà cửa, xe cộ, quần áo, nồi niêu soong chảo, vàng bạc, tiền đô giấy lớn 100.000, và cả.... điện thoại di động nữa ! Mấy bà thương chồng cũng không quên gửi những nàng hầu trắng trẻo xinh đẹp xuống cho các ông chồng bớt cô đơn. Dĩ nhiên, trước khi hóa vàng, mấy bà không quên rạch mặt, chọc mù mắt hình nhân để thỏa cơn ghen kéo dài qua hai cõi !
Tin như thế bị coi là tin nhảm. Mê tín ! Nhưng mâm cơm cúng ngày giỗ ngày tết chắc có ý nghĩa khác. Không ai nghĩ là người từ cõi kia về ăn như chúng ta ăn (cơm canh còn nguyên đó chứ có hụt đi chút nào đâu !) nhưng làn khói nhang ấm áp mời người quá cố về thụ lộc được hiểu như là một cách tưởng nhớ tới người thân đã bước sang cõi khác trước chúng ta. Tấm lòng thương tưởng của chúng ta thể hiện qua cách cúng những món ăn mà người thân quá cố ưa thích khi còn sinh tiền.
Trong nghĩa trang, một ông dọn cơm canh cúng trên mộ vợ. Một ông người bản xứ thành kính đặt bó hoa trên ngôi mộ bên cạnh. Lễ bái, cầu kinh xong, ông bản xứ hỏi ông Việt nam:
“Bộ ông tin rằng vợ ông có thể về ăn được những thức ăn ông cúng như vậy chăng ?”
Ông Việt nam bình thản hỏi lại: 
“Bộ ông cũng tin rằng vợ ông có thể về ngửi được bó hoa ông đặt trên mộ kia chăng ?”
Chỉ một bước ngắn, chúng ta chuyển từ cõi này qua cõi khác. Ai cũng ngại ngần trước nhịp bước vô định này. Cõi tạm, cõi... khách sạn, chúng ta đã quen nếp sống. Cõi thực, cõi... nhà, chúng ta u u minh minh. Cái bước dùng dằng từ một chỗ đứng cân bằng trên mặt đất sang chỗ chênh vênh mây trời là cái bước mỗi con người phải trải qua. Cái điều chắc chắn sẽ xảy ra này chúng ta không muốn nghĩ tới. Càng thêm tuổi, chúng ta càng làm lơ không muốn nghĩ tới. Không nghĩ thì làm sao mà hiểu được.
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.
(Mai Thảo)
02/2004