Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

THỨ THA VÀ TỰ HỐI TRONG TƯ TƯỞNG CỦA DOSTOIEVSKY




THỨ THA VÀ TỰ HỐI
TRONG TƯ TƯỞNG CỦA DOSTOIEVSKY

Cảm nghĩ sau Giáng sinh, từ Dostoievsky,
người tôi kính phục và ngưỡng mộ.
                               
Trạch An-Trần Hữu Hội.


                                         Fedor Mikhailovich Dostoevsky, (1821- 1881)

         Những ngày kỷ niệm 2017 năm, ngày Giáng Sinh Giesu Nazaret, đứng cứu chuộc ra đời, theo niềm tin của Người Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo…vừa qua. Cũng theo niềm tin này, sự bằng an lại một lần nữa, đến với những con người thiện tâm.

Chính Chúa Giesu đã nói: Ta đến để đem lại bằng an cho các con.
Bằng an ở đâu? Đó là sự bằng an ngay trong những tâm hồn biết cảm thông và tha thứ, biết tự hối và hòa giải.

Fedor Mikhailovich Dostoevsky, (1821- 1881): Một nhà văn Nga, suốt đời đi tìm chân lý ấy với nỗi xao xuyến luôn hiện hữu trong lòng, bằng những trải nghiệm và ưu tư từ bản thân. Ông đã trở nên vĩ đại qua những gì mà ông cảm nghiệm được rồi viết nên những tác phẩm… mà cho đến nay, vẫn còn làm cho nhân loại chiêm nghiệm, ưu tư và luận bàn…

Nikolai Berdiaev, một nhà phê bình Nga, vào thời đó, đã nhận định: “Tác phẩm của Dostoevsky mang lại một đóng góp đáng kể vào ngành nhân chủng triết lí, vào triết học về lịch sử, về tôn giáo và về luân lí. Giá trị của Dostoevsky vĩ đại đến nỗi dân tộc Nga chỉ cần gọi tên ông cũng đủ biện minh sự hiện hữu của mình trên thế giới”.

Thời kỳ Dotoievskty trưởng thành, Nước Nga rơi vào khủng khoảng Kinh Tế, Đạo Đức và Chính Trị …trầm trọng. Năm 1847, Dostoevsky tham gia vào nhóm Petrashevsky, một diễn đàn do Mikhail Vasilevich Petrashevsky - một người chịu ảnh hường của Fourier (Pháp) khởi xướng. Như phần lớn các diễn đàn của giới trí thức ở kinh đô Peterburg bấy giờ, đó là một tập hợp phức tạp của trí thức, sinh viên, viên chức,... chủ yếu thảo luận văn học và nhất là triết học phương Tây, cũng như một loạt các vấn đề xã hội khác. Tuy không có quan điểm chính trị rõ rệt, phần lớn hội viên bất mãn với chế độ quân chủ Nga. Bất an về cuộc cách mạng 1848 ở châu Âu, hoàng đế Nikolai I đã quyết định đàn áp các diễn đàn như vậy. Ngày 23 tháng 4 năm 1849, Dostoevsky bị bắt. Sau 9 tháng nằm tù trong hầm pháo đài Petropavlovskaya, Dostoevsky cùng 15 người khác bị đưa ra tòa và bị kết án tử hình. Ngày hành hình, họ đứng tựa cột trong thời tiết lạnh giá, những thanh gươm được bẻ trên đầu những ai thuộc dòng quý tộc, biểu thị Danh dự quý tộc đã bị tước đoạt để chờ đợi một loạt đạn…Thế nhưng, vào phút chót lệnh hành hình bị bãi bỏ, một lệnh ân xá của hoàng đế vừa kịp chuyển đến. Thay vào đó, họ bị kết án 4 năm lao động khổ sai tại Omsk, thuộc tây nam miền Xibia. Sau khi trở về từ chốn lưu đày, Dostoevsky lần lượt cho ra đời những tác phẩm lớn:
-1864. Hồi ký viết dưới hầm. (Notes from Underground)
-1866. Tội ác và hình phạt. (Crime and Punishment)
-1869. Gã khờ. (The Idiot)
-1872. Lũ Quỷ ám. ( Demons)
-1880. Anh em nhà Karamazov. (Brothers Karamazov)

Những ấn tượng từ nhà tù Omsk luôn đè nặng trong hồn ông, nhưng câu chuyện về một nhân vật, cũng bị lưu đày, ám ảnh ông nhiều hơn cả và là đề tài, nguồn cảm hứng cho ông viết nên tác phẩm vĩ đại vào cuối đời, đó là:“Anh em nhà Karamazov”.
Đó là một trung niên, một kẻ nguyên là sĩ quan trong quân đội Nga Hoàng, một kẻ có tiếng là ăn chơi trác táng, điếm đàng trong xã hội, của thủ đô Saint Peterburg bấy giờ, cũng đi đày nơi đây, hắn mang bản án lưu đày chung thân vì tội: “Giết cha đẻ của mình”
Không ai trong nhà tù không biết hắn, không ai không khó chịu trước sự vô tâm vô tư đến thô bỉ của hắn. Thực ra hắn không thô bỉ, hắn vui cười ăn uống sinh hoạt “ rất bình thường”. Thái độ này khác với mong đợi, hay ít ra là quan niệm của mọi người, dù là tù nhân, nhưng vẫn còn trong họ chút nhân tính, chút đạo đức, chút luân lý…nhưng thiếu chút cảm thông. Kẻ Giết Cha, theo họ, hắn phải ngồi bó gối, rầu rĩ, ăn không ngon, ngủ không được và có thể phải ngày đêm đấm ngực thình thịch, đày đọa mình như một khổ tu để tỏ lòng ăn năn mới đúng!
Nhưng rồi, rất bất ngờ, dù là khá muộn, mười hai năm sau. em ruột hắn, một kẻ trí thức khôn ngoan, giàu có…tìm đến nơi lưu đày, quỳ xin hắn tha thứ:
- Chính em đã giết cha, em sẽ tự thú đễ thay anh lưu đày!”
- Chú về đi, như thế chú cũng đã chịu sự trừng phạt, đã khổ dau…Anh quen rồi!

oOo

Thiện và Ác là hai khái niệm, hành vi, luôn tồn tại song hành. Ta có thể là người đạo đức, bao dung…luôn ăn ngay ở thẳng, nhưng Ta cũng có thể là kẻ dối gạt phỉnh phờ độc ác, thực thi những hành vi bất nhân, đem đến khổ đau cho người khác, cho bạn hữu và cho tha nhân…

Tâm hồn con người là một bãi chiến trường mà trên đó luôn xảy ra tương tranh giữa điều thiện lành và sự ác độc!” Dostoievsky cũng đã cảm nhân sâu sắc về đều này khi nói như thế.

Bản chất loài người vốn không phải lúc nào cũng đê tiện hiểm độc, và cũng vậy, không phải lúc nào ta cũng mưu mô, bất lương… nhưng hoàn cảnh và sự vô tâm luôn là động lực làm ta nghiêng bên này hay bên kia. Bởi thế, quyền chọn lựa là nơi chủ thể và luôn luôn là nơi chủ thể gây ra hành vi. Tất nhiên, trách nhiệm cũng thuộc chủ thể ấy!

Ta có tự do trong hành vi không? Hãy dũng cảm mà nhận rằng ta có tự do trong lúc lựa chọn mỗi hành vi mới tự mình biết hối hận, mới dám lãnh chịu trách nhiệm về tư tưởng, lời nói, thái độ với hậu quả mà ta gây ra, từ hành vi đó…

“Sự gì ta không muốn kẻ khác làm cho mình, ta cũng đừng làm cho người khác”.

Tòa án của trần thế lắm khi mù lòa, nhưng bản án của quan tòa lương tâm thì sáng suốt. Câu chuyện người em tìm đến tận Xybiria để thự thú với anh mình trước, hứa sẽ ra tự thú với tòa án trần thế để chịu đi đày thể hiện lòng tự hối, ý thức phản tỉnh không cho anh ta yên với những gì có được sau việc làm bất chính: Giết cha rồi ngụy tạo cho anh mình những chứng cớ tội ác. Tòa án trần thế đã không đủ sáng suốt để thấy hết chứng cứ, và bản án đã được thực thi. Nhưng khi kẻ thực sự có tội, quay lại tự vấn, đối diện với chính mình, đối diện với lương tâm mình thì mọi sự hoàn toàn khác.

Sau khi tự dày vò, chịu hình phạt vô hình nhưng không kém nghiệt ngã của lương tâm, người em cần đến sự thứ tha của anh, chưa hết, anh ta cần đối diện với tòa án, để nhận chịu hình phạt hữu hình của trần thế, để chịu khổ đau nơi chốn lưu đày.

Ôi, Xin Thiên Chúa toàn năng vô cùng, qua sự kiện đấng cứu độ, xin cho con người biết thông cảm thứ tha, biết tự hối, biết khước từ sự ác hiểm, tỵ hiềm, ích kỷ, nhỏ nhen…biết hòa giải… để bình an luôn hiện hữu nơi thế trần đau thương…


Sài gòn 29/12/2017.
Trạch An-Trần Hữu Hội
http://www.art2all.net/





1 nhận xét: