Một
thoáng mênh mang với Hoàng Cầm qua bài thơ “Lá diêu bông”
· Trạch an- Trần hữu Hội
“Em ơi buồn mà chi
Anh đưa em về bên kia sông Đuống
Ngày xưa…..cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng bên kháng chiến
trường kỳ…..”
Đó là những vần thơ tiêu biểu của điệu thơ dịu dàng, buồn bã, da diết… của
Hoàng Cầm đã một thời vang vọng.
Nhiều năm sau “ Bên kia sông Đuống”, những ai có niềm giao cảm đặc biệt
với tâm hồn đa cảm, chân tình và dân dã ấy lại một lần nữa rung động, lại mênh
mang buồn với bài thơ “Lá Diêu bông”.
Đẹp làm sao, lãng mạn làm sao, ngây thơ làm sao, chung thủy làm sao tâm hồn của
một thiếu niên, trong một buổi chiều tà, giữa mênh mông đồng ruộng, sau vụ gặt,
đã khắc ghi vào lòng một câu nói, một lời hứa hẹn vu vơ của một cô gái đang
tuổi xuân thì, để nhiều tháng năm ôm ấp, mãi mê đi tìm một chiếc lá vô
hình….hầu thỏa mộng yêu đương.
“Váy đình bảng buông chùng cữu võng
Đồng chiều cuống rạ
Chị thẩn thơ đi tìm
Chị bảo: đứa nào tìm được lá Diêu
bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày, em tìm thấy lá
Chị chau mày: đâu phải lá Diêu bông
Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu, trông nắng vãn bên
sông
Ngày cưới chị em tìm thấy lá
Chị cười, xe chỉ ấn trôn kim
Chị ba con em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn
Từ thuở ấy em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể
Gió vi vu gọi: “Diêu bông hỡi, ơi diêu
bông?” ”
Đột ngột làm sao, vô lý làm sao-Tình yêu- nó
làm cho Xuân Diệu phải thốt lên :
“….Có nghĩa gi đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhẹ nhẹ gió hiu hiu…..”
Cùng với hoàng hôn,
cùng với gió chiều, lời hứa hẹn vu vơ ấy đã bay đi, có ai dại khờ cả tin hơn
một tâm hồn đang yêu, chú bé đang yêu ấy đã hăm hở đi tìm để chỉ hai ngày đã
tìm được lá, nhưng rồi :
“ Chị chau mày đâu phải lá
diêu bông”
Không bối rối, tình cảm thơ ngây đã chấp cánh cho ước vọng bay cao, mùa Đông
sau đã tìm được lá, nhưng- lại một buổi chiều, chị- cô gái xuân thì ấy đang
bâng khuâng về một bóng hình khác, có lẽ đâu đó rất gần nhưng cũng có thể vời
vợi xa xăm, nên:
“
Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông”.
Niềm yêu không nói nên
lời, chàng thiếu niên mê say ấy lại lặng lẽ ra đi, lại lang thang trong niềm mơ
mộng phiêu lãng, quay về đúng vào ngày cưới chị.
Giờ đây, người thiếu nữ đã thỏa niềm khao khát mộng mơ tình yêu mà chị ngóng
đợi bao năm của tuổi xuân đã đến, chị sang sông với niềm vui ngập tràn, nên
trông thấy lá:
“ Chị cười, xe chỉ ấn trôn kim”
Không nao núng, không mất đi niềm háo hức ban đầu- chàng thiếu niên, với thời
gian chắc cũng đã trở thành một chàng trai- phong kín hồn mình với một hoài bảo
khôn nguôi, ra đi để lại quay về khi chị đã ba con. Có ai biết tháng năm đã để
lại những gì trong tâm tưởng chị, trên nét thanh xuân của chị, chỉ biết:
“ Xòe tay phủ mặt chị không nhìn”
Và từ đây, chàng trai
ra đi đầu non cuối bể, bước chân của chàng sải dài theo năm tháng chiến chinh-
khi bạt ngàn trăng gió chiến khu, khi hắt hiu chiều buồn bên sông vắng, cũng
lắm khi “đồng chiều cuống rạ”, tà huy xế bóng….đã lắm khi nhớ đến mối tình ngây
thơ, đến hình bóng người thiếu nữ xa xăm….tiếng gió vi vu như gợi nhắc thì
thầm:
“…Diêu bông hỡi,ơi diêu bông!”
Quê hương chinh chiến
đã cho chúng ta những nhà thơ tiêu biểu với một thời kì huy hoàng của thi ca,
những vần thơ tuyệt vời từng làm hành trang cho cả một thế hệ….chúng ta từng
buồn với:
“….Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây…” của Quang Dũng.
Chúng ta từng hồi hộp
lo âu với Yên Thao:
“….Này anh đồng đội, này bạn pháo binh
Đã đến giờ chưa nhỉ
Mà ta nghe trại giặc vỡ tan tành
Anh rót cho khéo nhé
Kẻo rót nhằm nhà tôi
Nhà tôi ở cuối xóm Đoài
Có giàn hoa lý, có người tôi thương!”.
Chúng ta từng quay
quắt tiếc đau bên “ Những đồi hoa sim” tím ngắt, xót xa vì định mệnh oái ăm đã:
“… Không chết người trai khói lửa
Mà chết người em gái hậu phương
……
Chiều rừng mưa nơi chiến trường Đông –
Bắc
Ba người anh được tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng
……
Nắng sớm thu về gờn gợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên ngỡ ngàng trông ảnh
chị…..” của Hữu Loan.
Và cả Hoàng Cầm với lời thơ giản dị, dân dã nhưng da diết chân thành:
“ Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về bên kia sông Đuống
Ngày xưa….cát trắng phẳng lì…..”
Những vần thơ như sải
cánh chơi vơi, đưa ta đến niềm giao cảm với ruộng đồng quê hương, đến suối sông
của đất mẹ….Chính đó là những tố chất làm nên điệu buồn đặc trưng của thơ Hoàng
Cầm, và cũng chính nó, đã cho chúng ta những giây phút mênh mang buồn thương,
những xúc động dạt dào với thơ ông-
Tất cả đó là những cảm nhận riêng tư của mình, xin trình bày một cách chân thành cùng với lòng cảm phục, gởi đến các bạn hôm nay để cùng nhớ đến Hoàng Cầm, người đã từng tâm sự: “ Suốt đời lấy thơ làm cứu cánh, làm mục đích và làm lẽ sống”.
Tất cả đó là những cảm nhận riêng tư của mình, xin trình bày một cách chân thành cùng với lòng cảm phục, gởi đến các bạn hôm nay để cùng nhớ đến Hoàng Cầm, người đã từng tâm sự: “ Suốt đời lấy thơ làm cứu cánh, làm mục đích và làm lẽ sống”.
Đêm Nguyên Tiêu Thân hữu.
Trường PTTH.NGUYỄN DU
09-01 Nhâm ngọ 19-02-2002