Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Nghèo - Hèn...


      



                                                       Trạch An – Trần Hữu Hội.

      Thằng Khâm , mẹ hắn, cùng hai đứa em gái  dừng xe trước  ngôi nhà của chủ. Vẻ hùng hổ lúc ở nhà biến đi đâu mất! Ké né dựng hai chiếc xe gần cái cổng đóng kín, tiếng chó sủa trong nhà vọng ra làm hắn thêm ngại…Cổng mở , cô chủ chỉ lớn hơn hắn một tuổi, hầm hầm, té tát mắng vào mặt hắn :
      -Cái mặt chó mày còn vô đây làm chi, giỏi thì đi luôn đi…
      -Em  vô xin chị sáu triệu tiền còn lại…Và giấy tờ của tụi em…
      Cô chủ Ngân vừa chống nạnh, vừa đưa ngón tay xỉa xói vô cái mặt ốm xanh của thằng Khâm làm hắn cứ thụt lùi , nói giọng the thé như bị ai bóp cổ :
      -Hả, sáu triệu nào? Hả..tụi mày là con chó phản chủ...Hai đứa mày làm thuê tao trả tiền…đẻ con tao nuôi cho lớn rồi tụi mày bỏ đi không thèm ỉa vào tai tao một tiếng…Giờ tiền gì, tiền gì mà vô đòi ? giấy tờ gì , ai giử giấy tờ tụi bây ?
     Hàng xóm nhìn qua nhưng không ai tới …Lát sau , Tiến, cậu chủ, cũng chỉ hơn hắn ba tuổi, từ trong nhà đi ra. Không cần nói năng, nhào vào tát liên tục vào hai cái má xương xẩu của thằng Khâm…hắn lại thụt lùi cho tới khi lưng hắn đụng vào tường, cậu chủ đấm một phát vào ngực, hắn ôm ngực co rún người lại…
     Xong, móc điên thoại gọi đi đâu đó . Có thể là công an xã, có thể là dân phòng…
     Mẹ và hai em gái hắn đứng như trời trồng , cũng đàn bà, nhưng không hàm hồ và hung dữ bằng vợ chồng chủ !
     Mẹ hắn năm nỉ nhưng cánh cổng đã đóng lại, chỉ còn tiếng chó sủa và bốn bà con thằng Khâm đứng chơ vơ…
    Có mấy người xúi nó lên xã báo, nhưng hắn biết là cậu Tiến nhậu nhẹt thường xuyên với họ. có báo  cũng chẳng ăn nhằm gì , không chừng bắt ngược lại mẹ con hắn, cho là phá rối trật tự…
    Đứa ở mới là một cô bé người dân tộc, da ngăm đen, cầm cái chổi ra quét sân .
    
                                                        ***
     Nếu tính riêng vợ thằng Khâm thì đã làm thuê  cho nhà này hơn sáu năm rồi…Cái thời con Liên, vợ hắn, mới mười sáu tuổi. Ông bà chủ, là cha mẹ của cậu Tiến nhà này chưa qua Mỹ. Khâm thì mới ở hơn ba năm nay.
     Hồi con bé Liên được người hàng xóm  ở Cam Ranh , dẩn vào cùng ông Tưởng bà Lâm, thì đúng là lên thiên đường ! Ở nhà mẹ , Liên làm rẫy khổ cực suốt năm mà hai mẹ con không nuôi nổi nhau ! Làm thuê cũng chỉ có chút tiền may cái áo ngày tết, không mua được đôi dép…
     Vào nhà ông Tưởng bà Lâm. Áo quần tha hồ. Con bé sững người khi bà Lâm đứng trên thềm ném xuống chỗ hai mẹ con ngồi một bao to áo quần còn thơm mùi Mỹ! Một số mặc vừa, có cái hơi rộng , có cái hơi chật, nhưng đẹp quá ! Còn lại, Bà Lâm nói với mẹ của con  Liên:
     -Chị đem hết ra ngoài quê, cho bà con kẻo tội.
     Đêm hôm đó, bà Lâm nói với mẹ con Liên:
     -Chị để nó làm cho tui, công cán tui không để lỗ cho nó, ăn uống thì trong nhà tui chị cũng thấy đó…thịt cá tha hồ. Gắng ngoan và siêng năng, vài năm lớn , đẹp và hấp dẩn ra, con gái tui ở bên Mỹ về, không chừng còn kiếm cho nó thằng Việt Kiều , mẹ con  chị tha hồ mà sướng !
    Sáng mai, mẹ con Liên lên xe về, bà Lâm đưa nguyên một tờ năm trăm mới cứng:
    -Chị cất đi, về ngoài Cam Ranh mà xài, con Liên ở đây tui lo…
    Xe thì chạy, mẹ con Liên tuy ngồi trên xe nhưng bà cảm thấy như đang bay !
    Con Liên  đêm nằm không ngủ được. Mấy tiếng “Lấy chồng Việt Kiều” huyễn hoặc tâm trí nó !
    Nói về siêng năng thì con Liên siêng có tiếng ngoài xã nó ở, không những thế, con Liên còn là đứa có sức, việc rẫy nương hắn làm không thua ai, giờ mấy  việc của nhà chủ, tuy chưa biết hết việc gì,  hắn vẫn không hề lo sợ.
    Thấm thoát gần ba năm. Mẹ con Liên tết nào cũng vô thăm.Tiền công bà Lâm trả tuy thấp hơn người ta, tính ra một tháng chỉ một triệu rưởi ! Nhưng nhìn con gái phỗng phao trắng trẽo chị cũng yên dạ yên lòng.
    Hôm  vợ chồng bà Tưởng-Lâm đi Mỹ, có làm tiệc chia tay, chị cũng vào…tiếng là vào dự tiệc, nhưng phận tôi đòi…chẳng qua là vào phụ việc cùng con! Chỉ vui cái là cô con gái chủ bên Mỹ về, cho chị một tờ năm mươi “đô la”. Lần đầu chị thấy tiền Mỹ…đem ra khoe , bà con xóm làng chắc phải trầm trồ…nhà chị có phúc !
    Ông Bà Tưởng - Lâm đi, mối làm ăn da bò muối vẫn để lại cho con là vợ chồng cậu chủ Tiến – Ngân. Mọi công việc thì con Liên coi pha, nhưng cái việc muối da bò mấy năm nay con Liên quá vất vã ! vừa nặng nề, vừa ngâm chân, ngâm tay trong nước muối, lại luôn ngập trong mùi hôi thối , tanh tưởi của nhà kho !
    Gần đây, mùi hôi làm hàng xóm không chịu được, kiện lên xã, cậu Tiến mua một miếng đất rẫy xa nhà… Con Liên giờ phải kéo xe hai bánh chở da vào kho rồi mới làm công việc nặng nhọc là muối !
   Những khi mệt , hắn hay nghỉ tới  lời hứa gả cho Việt Kiều của bà Lâm.
   May mà cậu Tiến thuê thêm được một người làm, thằng Khâm, mối lái đâu mấy người buôn da bò từ trên Đơn Dương dẫn xuống. Khâm hơi man mát, nói bị cà lăm, lớn hơn con Liên ba tuổi.
   Dạo này da bò không những từ trên thị trấn đem về, còn có thêm từ Đơn Dương gởi xuống bằng xe đò…có ngày tới năm bộ. Hai đứa gần như cả ngày trong nhà kho muối.
   Trưa , thằng Khâm biết chạy xe Hon đa, chở con Liên về nấu ăn cho chủ rồi ăn qua loa vài miếng, chạy bộ bới cơm vào cho thằng Khâm…ăn xong thì nghỉ một chút rồi hai đứa bắt tay làm tiếp công việc…
    Mệt lắm ! Trưa , thằng Khâm nằm trên cái giường của hắn, gần cửa, ngủ say như chết, ban đêm hắn cũng ngủ đây để coi da bò. Chừng một giờ thì lo dậy làm kẻo cậu Tiến vào bất ngờ kiểm tra…Con Liên không có giường, trải cái bao nằm nơi cửa sau.
    Cậu chủ trả thằng Khâm một tháng không biết mấy, chỉ sau này khi thành vợ chồng hắn mới biết là nhiều hơn hắn năm trăm . Mấy năm không tăng không giảm !

                                                        *****
     Tuy lớn hơn Liên ba tuổi, nhưng do hơi man mát, nên Liên cứ tau mày với Khâm, Khâm cũng vậy.
    Trưa nay con Liên nằm nơi cửa sau, cứ nóng hừng hực khi nghỉ tới chuyện hồi đêm.
     Đêm qua, con bé con cô cậu chủ tự nhiên nói ngủ một mình sợ ma. Cô Ngân kêu Liên từ dưới chái bếp lên lầu, nói :
    -Mày trải cái mền dưới nền bên phòng con Phụng , ngủ với nó. Tự nhiên nhõng nhẽo bày đặt  sợ ma, cái con này !
    Khuya, hắn nghe trong phòng cô cậu chủ có nhiều tiếng lạ, như đang đánh nhau. Chuyện này thì thường…có lần cô Ngân còn nói to :
    -Đ.M. mày nghe Tiến, tao ly dị mày ! Tao thà về mổ bò mổ heo với cha mẹ tao như hồi còn con gái, hơn là ăn mấy đồng tiền “đô” mà cứ chửi lên đánh xuống ! Cái mặt mày, tao mà bỏ thì có chó nó ưa !
     Bốp, huỵch, hự…loạn lên…Có khi trong bữa ăn, có khi nhà có người đang nhậu…Hồi ở với cha mẹ. Cô Ngân bán thịt, dữ và hàm hồ nổi tiếng, cả chợ này ai cũng biết.
     Không nghe tiếng chửi nhau , con Liên đứng dậy tới gần cửa phòng…Nhìn vô lỗ khóa, cả hai vợ chồng đang trần truồng, quấn nhau trên giường, con Liên nghe tiếng cô Ngân xuýt xoa, rên ư ử .
     Hắn trở lại nằm xuống…Cứ muốn dậy, lén nhìn qua lỗ khóa.
     Trưa nay hắn cũng nóng hầm hập, cứ  nhìn chăm vào thằng Khâm đang ở trần nằm ngủ gần cửa …
     Khi cái bụng con Liên to lên rồi, hàng xóm ai cũng nói :
     -Lửa gần rơm mà, ở với nhau trong cái nhà muối da bò cả ngày thế không bầu mới lạ !
     Nói vậy, cả xóm ai cũng thương hai đứa. Chỉ ghét là ghét vợ chồng Tiến - Ngân. Gần ngày sinh , cô Ngân bảo xui không cho sinh trong nhà, đuổi con Liên về Cam Ranh , thằng Khâm dến ngày con Liên sinh, cũng xin đi theo.
     Mẹ tròn con vuông . Nghe đâu có vợ chồng ông Công an ngoài đó, là người tử tế , thuê cả hai , cơm ăn rồi tháng cho năm triệu. Trong xóm ai cũng mừng cho thằng Khâm và con Liên.
                                              ****
     Chưa có người làm thay thế, kể ra kiếm cho được người làm như Khâm- Liên không dễ .Thật thà và siêng năng.
     Cô cậu chủ Tiến –Ngân vất vã trông thấy ! Đánh , chửi nhau thường xuyên ! Nhà cô Ngân cho đứa em trai xuống giúp cũng không  xuể việc.
     Ông Bà Tưởng - Lâm  bên Mỹ về.
     Cậu Tiến lái chiếc Inova chở bà Lâm ra Cam Ranh. Ngon ngọt thế nào mà khi vào, có cả hai đứa , thằng con bốn tháng và cả mẹ con Liên cùng vào ! Bà Lâm nói với hai đứa:
     -Dì coi hai đứa như con, từ nay thằng Cu là cháu ngoại dì, đưa giấy chứng minh dì lên nhập khẩu cho vợ chồng và làm khai sinh cho thằng Cu vào trong nhà luôn. Ngân –Tiến tháng cứ trả cho hai đứa ba triệu bảy, còn một trăm đô dì để dành cho tụi con bên Mỹ, sau này làm vốn liếng cho thằng Cu , còn không muốn thì hai năm dì về một lần, dì đưa đủ cho hai ngàn tư mà sắm vàng.
     Tính ra một năm , hơn ở với ông Công an chỉ bảy trăm ngàn một tháng, nhưng nghe bà Lâm nói tới “ hai ngàn tư đô” thằng Khâm và con Liên ngất ngây !
     Bà Lâm lại qua Mỹ. Cô Ngân cũng trả ba triệu bảy một tháng, nhưng làm bể cái tô, cái chén, cái ly… cũng trừ lương, có mấy bộ đồ cô Ngân cậu Tiến không mặc, cho hai đứa, tưởng đâu cho không ai dè tính tiền, trừ vào lương.
     Hôm tết bà Lâm về. Sửa nhà sửa cửa, đám cưới cho cậu Tùng.
     Hai đứa rụt rè đùn dẩy nhau hỏi tiền “Đô”, Bà Lâm nói mát rượi:
     -Dì về lần này nhiều việc, giờ không còn tiền, coi như cậu Tùng nợ hai đứa. Nhà vợ cậu Tùng giàu lắm,  thế nào cũng cho vợ chồng cậu Tùng vốn liếng, trả lại hai đứa mấy hồi !
    Thằng Khâm và con Liên không dám khóc, nhưng nước mắt rưng rưng !
    Năm tháng gần đây, cô Ngân chỉ đưa mỗi tháng một triệu bảy, nói là “để giữ lại cho tụi mày”.
    Tuần trước, lấy cớ về thăm mẹ , con Liên nói “mượn” bốn triệu đem về cho mẹ, rồi gởi thằng Cu luôn, cô Ngân rất thích gởi thằng Cu về ngoại nó cho rãnh! Thằng Khâm trốn đi hai ngày sau. Định tìm về ở với vợ chồng ông Công an.
    Mẹ thằng Khâm và hai em gái nó tiếc xót, cùng nhau xuống đòi sáu triệu và giấy tờ…
                                                   ****
    Tất cả toàn là lời hứa ngon hứa ngọt. Có cái gì làm bằng chứng đâu mà kiện với cáo, ai nghe vợ chồng thằng Khâm !
    Hàng xóm nhiều người bảo họ dại này nọ, còn bảo thằng Khâm sao không đánh lại cái thằng Tiến  cọm rọm cho hắn chừa, thằng Khâm mạnh hơn gấp mấy…
    Ông Giáo nhà đối diện ngẫm nghĩ, rồi sửa lại cặp kiếng:
    -Cái “nghèo” thường đi kèm với cái “dại” cái “hèn”, người ta nói “nghèo - hèn” mà lại . Thế mới có chuyện!
                                                           Trạch An-Trần Hữu Hội
                                                                Tháng VI, 2013.

                                                             oOo
   
    
    
    
    
   

     

27 nhận xét:

  1. Chuyện đâu cũng có, bắt đầu từ nghèo.
    Từ cái nghèo sinh ra cái ham thích (lòng tham chân thật)Khi phát hiện ra thì sinh cái sân. Mong cầu thỏa mản lại gây ra cái si mê lầm...Chính nó đã đẩy con người đến đau khổ.
    Một câu chuyện để suy gẫm. Với lòng trắc ẩn, mong rằng mỗi người hãy cứu độ cho những lầm tưởng hư huyễn này!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào anh MTH. Muôn thủa vẫn vậy anh MTH ạ. Có đều tội nghiệp ở đây là Nghèo bao giờ cũng là nạn nhân của cái ác ! Tham là bãn chất của con người...Nếu tham đúng và vô hại thì như Krisnamutri, Vive Karnanda nói đó: Nó thúc đẩy tiến bộ...Chỉ con người ác là có tội. Mà thường giàu thì hay kèm theo bất lương !!!
      Câu "Bần cùng sinh đạo tặc" có thật, nhưng nó chưa bằng "Phú quý sinh bất nhân !!!".
      Chúc anh MTH luôn vui khỏe nhé.

      Xóa
  2. Chuyện muôn thuở anh nhỉ, nghèo thường đi đôi với hèn, không thể nói khác được. Nó là mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức chăng.
    Nghèo hèn lại thường đưa ra đối chứng với giầu sang. thuy nhiên ở đây gia đình chủ nhà lại khác giàu thì có mà sang thì không. cũng là nhẽ đời nó vậy , thường thì hay nghe người ta nói "Có chó thì mới có của" thế đấy ! vài điều chia sẻ với anh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Sỏi ! Thế đấy...Người nghèo thường hèn.May là cái "Bãn chất" này họ không tự nhận ra nên nó trở thành tội nghiệp. Cái Hèn này vô tội , đáng thương ! Mình không thay đổi được gì thì cứ hô lên cho cái ác lộ diện, rồi ra sao đó thì tùy...trời !!!!
      Sỏi vui khỏe luôn nhé.

      Xóa
  3. Anh Hữu hội ngày càng viết hay, NA luôn chờ những bài tiếp theo thưởng thức,cảm ơn và chúc anh nhiều niềm vui nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào và cảm ơn Nguyệt Anh nhé. Anh cũng hơi bận nên lâu lâu vào thôi, ít đi thăm bạn bè được...NA thông cảm nhé. Mong NA khỏe và yên bình.

      Xóa
  4. Anh có thì giờ tìm cách viết một chuyện về Nghèo mà không hèn đi anh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em ké cửa các bác xíu: Sao Sỏi không xúi em viết gì bao giờ nhỉ?
      Câu chuyện này em đọc cũng thấy bác kỹ công viết. Cái cặp vợ chồng nhà nghèo ấy mất sáu triệu nhưng thoát khỏi cái nhà ấy là phúc rồi, còn tuổi trẻ còn sức lực lại có kinh nghiệm chắc tương lai sẽ khá hơn.Xoa tay mỉm cười mừng cho đôi trẻ.

      Xóa
    2. Chào và cảm ơn Ong Nâu.Không biết Ong Nâu có độc không chớ Ong vò vẻ (màu xanh) chích là tê tái luôn !!!
      Ừ, Mất còn trong cuộc đời này chẵng là đều quá lớn...Nhưng biết lòng người để tránh thôi.Chưa mất mạng sống là tốt rồi Ong Nâu Nhỉ.

      Xóa
    3. Đề nghị cua SỎI rất hay
      Nghèo hèn thì thành quy luật rồi
      Nghèo mà không hèn mới là đổi mới hihihi

      Xóa
    4. Mình cũng muốn viết như đề nghị của Sỏi lắm Bul. ạ. Nhưng chưa...Thực ra thì khối người nghèo mà chẵng hèn tí nào ..Nó ít có cái để mất hơn người giàu. Khi sợ mất , người ta dễ thành hèn Bul. nhỉ ( Mất chức , mất quyền, mất tiền...) Khỏe luôn nhé bạn mới.

      Xóa
  5. Dĩ nhiên là Không phải ai nghèo cũng phải hèn Sỏi nhỉ. Chán gì người nghèo không hèn mà còn dũng cảm và cao thượng hơn những kẻ khác. Chuyện của anh chỉ nói trong hoàn cảnh này của hai đứa Khâm - Liên mà thội! Đôi khi cái hèn cũng do họ hiền lành, chân chất, cả nể cũng có. Như cái anh Phận của anh trong Rủi - May cũng nghèo mà vẫn rộng luựng và bao dung...
    Sỏi vui khỏe và viết hăng nhé...Rất nhiều người thích cách viết của Sỏi.Trong đó có anh .Rất thích.!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi anh động viên sỏi, rất cảm ơn anh sẽ viết đều , chơi ấy mà! Có thưởng phạt thi thố gì đâu. Nghĩ sao viết vậy mua vui chút anh nhỉ!
      Anh ạ Ong này không độc cũng không hại, Có chích chắc lại càng thích. Mà anh hỏi thế chắc lại muốn Ong nâu chích phát phải không!

      Xóa
    2. Anh thành thực đó Sỏi ơi, Bản thân anh rất thích lối viết của Sỏi, có đều viết không được ! Trời cho mổi người một cách...Sỏi nhớ hồi trước anh nhận ra Sỏi ngay khi Sỏi đổi tên Phạm Sandress không...Nếu cách viết không đặc biệt thì không nhận ra !!!
      Thì anh em với nhau , nói nhỏ thôi, Ong chích mà "tê tái " thì cũng...

      Xóa
  6. Nhi qua thăm và chúc anh luon vui.
    Cái loại người như gia đình Tiến Ngân này ngoài xã hội hơi bị nhiều. Sống thượng đội hạ đạp, tâm địa bất lương. Riêng về Mẹ con liên và Khâm, đọc bài viết Nhi chỉ thấy họ khù khờ cả tin và quá hiền nên bị người hiếp đáp, gạt gẫm. Như vậy bị coi là hèn sao ạ?

    Trả lờiXóa
  7. Cái hèn này không giống cái hèn hạ, nó mang nghĩa cam chịu, bị bóc lột, bị đánh mà không phản ứng làm người hàng xóm tức lây...PNhi ạ. Cảm ơn em ghé thăm nhà và chia sẻ,luôn vui và yên bình nhé.

    Trả lờiXóa
  8. Nay sang thăm cùng đọc lại entry này mình lại nghĩ thêm rằng : Chỉ có học mới thay đổi được số phận.
    Chúc bạn khỏe!

    Trả lờiXóa
  9. MÀ NGÓ VÀO CÁI HỌC CŨNG NẶNG OẰN !

    Trả lờiXóa
  10. Đúng là như vậy thật anh MTH. Cái học thì có thể thoát ra được nhưng rồi đâu dễ gì học được. Ở quê mình. có khi cha mẹ cho học tới lớp bảy rồi mà cũng phải nghỉ học đi phụ cha mẹ chăn bò chăn dê kiếm cơm !!!Nhà thơ, nhạc sĩ A-Khuê, người có bài thơ "Về đây nghe em " mà nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc đó. Ông phải lặn lội từ Quang Nam Đà Nẵng vào Tây ninh đi chăn bò thuê, 7 đứa con và bà vợ nheo nhóc...cuối cùng anh ấy chết bởi đột quỵ !!! Nhìn lại rồi với cái tuổi anh và tôi... trên 50 ,cứ một câu " đời người có số có mệnh anh nhỉ...Vô thường !
    Chúc anh luôn khỏe.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không đâu anh Hữu Hội, số phận là cách nói để tự an ủi thôi. Không ai có thể chọn nơi mình được sinh ra, và chính nơi ấy là cái nôi hình thành và đeo đẳng theo ta ít ra từ 40% thành bại cuộc đời. 60% còn lại là sự tự vươn lên của mổi cá nhân. Anh có nghĩ chăng, thông thường thì 'gái quê phải lấy chồng quê'. Nếu cô ấy muốn thay đổi thì phải chạy ra..thành phải không?
      Qua đó, sự mong cầu của bậc cha mẹ gửi gắm vào các con. Nghèo thời mong cật lực làm ăn thoát nghèo, dốt thì gắng nuôi con ăn học cho bằng người v.v.
      Về phía XH, đất nước nào cũng mong muốn dân giàu, mà muốn thế thì phải tạo cho sự nghiệp giáo dục một nền tảng vững chắc. Bởi chính sự giáo dục sẽ dẫn dắt lớp trẻ tự vươn lên bằng khả năng và khối óc của mình. Gần đây có câu lan tràn khắp nơi: Chỉ có học mới thay đổi được số phận. Tôi đồng tình với cách nghĩ này. Nhưng cái học phải làm sao cho ra học và hơn hết là dạy cái gì cho thế hệ tương lai!

      Xóa
    2. Thăm anh MTH, Thật cũng như anh nói, Đúng là để an ủi thôi...Nhưng nhiều khi đắn đo suy xét mãi mà cũng không tìm ra cái đáp số! Đúng là ta không chọn được nơi mình sinh ra, cũng không chọn được cha mẹ giàu hay nghèo, rồi không cho mình cái nhan sắc, ngoại hình, rồi thể chất thông minh hay đần độn, hộ khẩu thành phố hay nông thôn...Bấy nhiêu cái cũng làm mình phải nghĩ suy. Chưa nói đến Rủi , may...
      Hoàn toàn đồng ý với anh về nỗ lực bản thân như ông bố vừa rồi có ba đứa con đậu Đ Học Y dù rất nghèo.Nhưng ai dám chắc ngày sau khi học xong, lấy chồng. ba chị em sinh ba này cùng có hoàn cảnh hạnh phúc như nhau ???!!!
      Hội cũng vừa viết một chuyện về đề tài này.Anh MTH vào link này xem cho vui nhé:
      http://art2all.net/tho/trach-an/landan.htm
      Nhiều khi nhìn con cái, Biết đâu nó ra sao ngày mai !
      Chúc anh MTH luôn khỏe và yên bình nhé.

      Xóa
    3. Sang đọc rồi, anh Toán và anh Vọng...một thời trong một thế hệ bị...'bỏ đi'.Khà! Có một dạo mình cho rằng: Làm nông là mạt nhất, thua cả người bán vé số đấy! Vé số thất mùa một hai ngày, mùa màng thất nghèo 3 năm. Nghề nông có câu: lấy vắn nuôi dài, không lo được cái miệng đây thì nói chi vắn với dài...
      Con đường của các anh đi đã sai theo thời đại. Đau lòng mà thốt lên như vậy, mong bạn thông cảm. Cái thuở ăn xổi ở thì nó lên hương được là lên luôn, cộng thêm cái cách sống cong cong thì nó ngất ngưỡng vậy đó! Bạn viết đơn giản mà tràn đầy ý tình triết lý cuộc sống. Sự trăn trở trong bạn và vốn sống không nhỏ đã thể hiện trong ấy... Viết ngắn mới là khó phải không bạn? Mình không có khiếu này, chỉ cóp nhặt vài câu gửi chút tình trong ấy thôi. Ngưỡng mộ bạn lắm!

      Xóa
    4. Cảm ơn anh MTH đã chịu khó xem bài của Hội, Bây giờ vào cái tuổi 57 rồi, lang thang cũng nhiều rồi, như bò nhai lại thôi,Hội cứ ngạc nhiên về cái gọi là Định mệnh, thú thực với anh MTH, mình đọc từ Triết hiên sinh vô thần qua hiên sinh hữu thần,,, Hư vô chủ nghĩa...rồi cũng xem nhiều triết gia khác...nhưng chẵng thấy được cái gì. cứ vẫn như chưa đọc..Vẫn ngạc nhiên với cái diễn ra trước mắt, gần gũi mính mà phân vân !!!
      Đường link đó, nếu anh bấm vào cái tên mình ở trên bài viết, thì nó ra toàn bộ truyên của mình trên trang web này...chừng mười mấy truyên. khi nào rảnh rồi , anh MTH vào xem từng truyện cho vui nhé... còn bấn vào chử "art2all " bên dưới trang thì nó ra các tác giả khác, nghe nhạc, xem tranh ,đọc truyện dịch. triết học...Chúc anh và Gia đình khỏe ,yên bình...Thân mến.

      Xóa
  11. Những luận lý triết học cao vời ấy để...ngẫm. Cái thực tế mà ông cha ta đã đút kết rất đơn giản : Có thực giựt được đạo, lá lành đùn lá rách, bầu ơi...bí cùng v.v.
    Sống thật, sống hết lòng, sống cho tử tế với nhau đó là nền tảng đạo đức của nòi giống ta từ ngàn đời để lại. Là hậu sinh, kế thừa và có trách nhiệm truyền lại cho đời sau là một nghĩa cử phải làm để trả cái ơn sinh thành dưỡng dục, trả cái ơn đời cưu mang ta...

    Trả lờiXóa
  12. Chào anh MTH, Nhiều khi biết là thế nhưng có mấy ai chịu buông xuôi, bãn năng luôn thôi thúc mình bước tới chứ. Nhưng rãnh rổi thì cũng ngồi ngẫm chút cho vui...Đùng là cứ "sống cho tử tế" rồi sau đó ra sao thì ra MTH nhỉ.Chúc yên bình luôn nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Bước tới" nếu nói theo đạo học là tinh tấn, nói cho chính đáng là vươn lên. Còn bước càn thì xụp hố thôi phải không bạn?

      Xóa
    2. Cứ lấy cái Tâm, cái Đức làm chính mà sống thì ít ra cũng được cái yên bình . Chúc anh MTH luôn khỏe nhé.

      Xóa