Mẹ và những cuốn sách.
Trạch An-Trần Hữu Hội.
Cuối năm, chuẩn bị đón tết, vợ và các con bận rộn quét, lau mọi ngõ
ngách trong nhà ra tận cửa. nước lênh láng từ tầng trên xuống tầng dưới…Ông Cần
vì cái chân cụt, không làm được việc gì nên ngồi trên giường sắp xếp lại cái tủ
sách, làm cho có việc.
Từ ngày vào Sài gòn, không biết đã là định cư chưa, bởi có nơi ông đã ở
tới 40 năm, tưởng sẽ là vĩnh viễn, thế mà rồi phải bán tất cả để vào ở cùng các
con. Vào đây, ông mua lại căn nhà, bé hơn nhà ông ở quê, bé hơn nhiều lắm, nên
ông cho cái tủ sách nằm ngay trong phòng ngủ, ở cuối giường. Cũng hay, xưa nay
ông thích nằm đọc sách hơn là ngồi.
Hôm chuẩn bị chuyển nhà, ông quyết định đồ đạc tủ bàn bỏ lại hết, vào
trong này mua lại. Chỉ có sách là ông tiếc, không bỏ hết được, lọc lựa thế nào
cũng còn mấy thùng giấy cứng. Vào đây hai năm, mua thêm một ít, bạn bè tặng một
ít thành nhiều…
Miên man với những cuốn sách, rối nhớ tới những ngày mẹ còn sống, những
năm tháng khốn khó 40 năm trước, những cuốn sách của ông đã làm mẹ khốn khổ
hơn, ông ứa nước mắt vì thương mẹ…
Ngày ấy, ông chỉ mới hai mươi, mẹ đã còng lưng theo năm tháng cực nhọc
từ hồi nào rồi, thủa chưa rời quê vì bom đạn.
Theo đoàn di dân vào lập nghiệp nơi núi rừng Ninh Thuận này, những luống
khoai, đám mì càng làm lưng mẹ còng hơn.
Chính thể đổi thay, kéo theo mọi sự thay đổi. Gia đình ông bấy lâu nhờ
vào đồng lương của người chị, anh rể là lính. Nay không còn lương tháng nên vất
vả hơn.
Mấy tháng sau khi tạm ổn định việc đưa đi học tập cải tạo các đối tượng
thuộc chế độ trước. Ủy ban Quân quản có lệnh thu giữ và tiêu hủy văn hóa cũ,
không phân ra loại sách nào là đồi trụy hay phản động…mà là tất cả!
Hồi còn đi học, lâu lâu chị cho tiền mua sách, ngoài sách học, thừa tiền
ông mua thêm những cuốn sách mà ông thích, lần hồi cũng được chừng mấy chục
cuốn.
Nhìn kệ sách, vuốt ve, lật xem từng cuốn…ông quyết định không đem nộp,
biết rằng những cái tên tác giả nước ngoài trên bìa sách có thể lả tai họa! Ông
lấy một cái bao gạo, loại bao 50 kg, sắp gọn tất cả vào, rồi cho xuống gầm
giường, đẩy sâu vào góc tường, dự tính nếu nghe có đi kiểm tra thì mang vào rẫy
dấu đâu đó.
Cả thôn rầm rộ đem nộp sách, truyện…Có người một hai cuồn, có người mang
cả chồng báo Playboy, có người là thầy giáo dạy học bao năm, cho xe kéo đến mấy
thùng, toàn: Tự điển, sách Nghiên cứu Giảng dạy, Văn học, Lịch sử Thế giới…Tất
cả được cho vào kho trụ sở. Bạn thân ông làm Tuyên Văn Giáo thôn, từng học Đại
học Văn, ban Việt-Hán tại Đại học Đà lạt, cả hai đứng nhìn mà lòng tiếc xót!
Chừng hai tháng sau ngày 30/4/1975. Ông cùng bạn được gọi lên trụ sở
thôn. Cán bộ trên xã về lảm việc, bạn ông được giao cho làm Tuyên-Văn-Giáo, còn
ông, cho đi học hai tuần về làm Kinh Tài thôn.
Bạn ông cũng như ông, thương mấy cuốn sách lắm, nhưng cha của bạn ấy là
Công chức chế độ cũ, không cho ông giữ lại, buộc phải đem nộp hết! Hai đứa phụ
bưng các thùng sách vào kho mà tâm trí cứ băn khoăn không biết người ta có
duyệt, chọn lọc loại nào cần tiêu hủy, loại nào cần trả lại hay không. Chẳng lẽ
tất cả đều là đồi trụy và phản động hết sao!?
oOo
Lâu lắm rồi, kể từ ngày đem sách đến nộp, không thấy ai nhắc nhở gì đến
chuyện tiêu hủy hay giải quyết thế nào về số phận của những cuốn sách, những
chỗ dột làm ướt một số, một số bị các ủy viên lén lấy về làm giấy đi vệ sinh.
Căn phòng được trưng dụng làm kho cũng là phòng đặt máy phóng thanh,
trong các ban ngành, Kinh Tài là ban thông báo nhiều hơn hết, từ gạo, mắm, dầu
lửa đến vải, nilon…Hằng ngày ông vào thông báo trên loa phóng thanh cho bà con
trong thôn, cứ thấy đống sách là ông xót ruột mặc dù chẳng phải của mình.
Một hôm, trong trụ sở thôn không có ai, ông nấn ná ngồi lại sau khi
thông báo xong. Lật xem mấy cuốn, toàn sách của những tác giả ông ưa thích: F.
Dostoievsky, E. M. Remaque, A. Camus, J. P. Sartre, V. Gheorghiu…Nhiều tác giả,
tác phẩm mà Cha Mai Nghị, dạy môn Triết ông hồi còn đi học hay nhắc đến nhưng
ông chưa được đọc. Số sách này phần nhiều ký tên Lê Thanh Dân, một thầy giáo
dạy Văn ở Quy Nhơn đem nộp. Ngày thầy đem sách đến, ông đứng bên thầy, nhìn
thầy húng hắng ho. nhìn nước da tái xanh và đôi mắt đỏ như muốn khóc mà thương…
Biết chắc là không có ai, ông lấy cuốn “Anh em nhà Karamazov” của
Dostoievsky, cho vào chiếc túi mang về. Cuốn này, bao nhiêu lần ông đứng ngắm
nó trong hiệu sách, nhưng không dám hỏi mua vì biết chắc rất đắt, nhìn độ dày
của nó cũng đủ biết! Ông khóa cửa phòng lại, đi ra mà lòng lo sợ đủ thứ chuyện,
lỡ có ai đi vào, dọc đường gặp ai đó tò mò hay một cán bộ xã…Ông đi như chạy,
vào trong nhà, ngồi trên giường mà tim ông đập như vừa chạy bộ mấy cây số, vội
vàng cho xuống gầm giường, dự tính vài ngày sau mới lôi ra đọc.
Được một lần, đọc xong, rồi những
lần sau ông lấy hai cuốn, ba cuốn tùy độ dày mỏng của những cuốn sách. Tò mò về
Chủ nghĩa Cộng Sản, ông lấy những cuốn liên quan về Chủ nghĩa này, đọc ngấu
nghiến hằng đêm. Đọc xong, ông cho thêm vào bao gạo, chẳng bao lâu, phải kiếm
một cái bao khác…Cứ thế, lấy về, đọc xong cho vào bao. Đã bốn cái bao đầy mà
không ai phát giác hay nói chuyện mất sách trong kho, chừng như ai cũng có lấy
về đi vệ sinh, nên chẳng ai thèm thắc mắc gì!
Có một hôm, cán bộ phụ trách an ninh, họp toàn dân phổ biến lệnh kêu gọi
những ai còn tàng trữ sách báo chưa nộp thì đem nộp tiếp, phát giác ai còn cất
giấu thì tố cáo với chính quyền để thu hồi…Ông ngồi nghe mà lo sợ cho những
cuốn sách, lo sợ cho bản thân sẽ bị quy là ngoan cố hay phản động! Ông muốn đem
đi nộp nhưng lại ngại là sẽ bị hỏi sao lâu nay không nộp!
Mấy ngày sống trong âu lo, cuối cùng, ông quyết định sẽ dần dần mang vào
đám rẫy gần nhà. Khi đã chuyển vào hết, mẹ cùng ông đào một cái hồ, lót một lớp
nilon ở dưới, phủ một lớp bên trên rồi lấp đất lại. Cả hai mẹ con vừa đào vừa
hồi hộp, thỉnh thoảng ông chạy ra đường đi nhìn trước nhìn sau…Kể từ hôm đó,
ông không đọc mà cũng không lấy thêm cuốn sách nào!
Chừng hai tháng sau, cả ông và bạn đều bị cho nghỉ việc thôn. Một ông
lớn tuổi, từ Quảng Ngãi vào được thay ông làm Kinh Tài, một anh bên chi đoàn
Thanh Niên thay bạn ông làm Tuyên Văn Giáo.
Nghỉ việc thôn, bạn ông bị gọi đi Nghĩa vụ Thanh Niên Xung Phong, còn
ông, có mẹ già nên được miễn.
Ở cuối đám rẫy cùa mẹ, có một bộng mối rất lớn, một hôm trời trở mưa,
mối bay đầy, bay cả vào mặt ông. Lo cho mấy bao sách, ông bàn với mẹ đem về lại
nhà, thời gian này thấy cũng êm êm, không còn nhắc chuyện nộp sách nữa. Hai mẹ
con lại đào lên rồi lần hồi chuyển về, dấu sau đám mì của lô gia cư. Những lúc
mưa, không có ông ở nhà, một mình mẹ lôi vào nhà từng bao thật vất vả. Ông lại
đọc những cuốn chưa kịp đọc, chuyền cho những bạn thân của ông cùng đọc.
oOo
Anh rể đi cải tạo về, làm rẫy chỉ khoai lang và mì không đủ qua ngày bèn
đưa chị và đứa con vào Long Khánh làm ăn. Cũng không khấm khá hơn là bao. Nhà
chỉ còn ông và mẹ.
Kinh tế càng lúc càng khó, ông bèn đi buôn tàu lửa cùng những người dân
trong vùng. Dân buôn xứ ông đầy sân ga...Đi buôn cũng không đủ gạo cơm mắm
muối, phải ăn độn mì, khoai… Một hôm, mẹ ngại ngần nói:
- Con lựa cho mẹ mấy cuốn sách đã đọc rồi.
- Làm gì vậy mẹ?
- Mẹ bán cho mấy người bán hàng, họ gói hàng.
- Sách khổ nhỏ họ có mua không?
- Họ cắt nhỏ gói bột ngọt, ớt bột, tiêu…
Ông ra sau nhà, giữa mấy luống mì ngồi lựa, cuốn nào cầm lên cũng tiếc!
Ông đem cho mẹ năm cuốn. Mẹ cho vào bao mang ra chợ!
Vốn không có, đi buôn càng khó. Chái bếp nhà ông đã dỡ hết tôn đem bán
lần hồi, tội nghiệp mẹ phải ngồi nấu nướng giữa nắng, những lúc mưa phải dời
bếp vào trong nhà! Vốn cứ cụt dần vì vừa ăn, vừa bị bắt mất hàng.
Chị cả ông ở Quảng Trị vào thăm, mẹ và chị ôm nhau khóc suốt mấy ngày.
Hôm về, chị bảo ông cùng ra quê. Mấy ngày về quê không vui, chỉ gặp được các
cháu nhưng chúng còn nhỏ, ông dành một ngày đi thăm mộ cha và bà con, hôm sau
ông vào lại. Đứng trước sân nhà, chị sụt sùi:
- Chị muốn đưa mẹ và em về làng, nhưng em không làm ruộng Hợp tác xã nổi
đâu. Chị còn mấy chỉ vàng, em cầm hai chỉ làm vốn mà buôn bán.
Ông òa khóc, còn khóc to hơn chị! Nhìn túm gạo chị ông cột sẵn cho ông
mang vào, chỉ chừng 10 kg, nhưng ông lo không biết có mang vào được không!
- Em sợ không mang gạo vào được, hay chị để lại, có vốn rồi, em vào đi
buôn mua gạo trong đó cũng được, mất uổng lắm!
- Mất thì thôi em ạ.
Chị đưa ông ra cổng làng, ngay trạm kiểm soát này đã không qua được. Chị
năn nỉ mãi nhưng cũng đành mang về. May mà gặp thằng cháu trong họ gác trạm,
nếu không thì đã bị tịch thu.
oOo
Có hai chỉ vàng, ông bán đi làm vốn, theo một người bạn đi buôn xe đạp
từ Sài gòn về bán trong địa phương. Một lần đi, ông mua hai chiếc, thỉnh thoảng
có người đặt mua xe cũ, ông mua thêm một chiếc theo ý người đặt. Đi buôn xe đạp
thì đi bằng xe đò, ít vất vả nhưng hồi hộp hơn là đi xe lửa, bởi phải qua nhiều
trạm kiểm soát, nhờ tài xế và lơ xe năn nỉ cũng qua lọt. Không chi cho trạm thì
chi cho tài xế. trạm tốn nhiều, tài xế ít hơn!
Ông đi được chừng sáu chuyến, mẹ mừng vì bớt nổi lo gạo mắm. Chuyến cuối,
ông từ Sài gòn về vừa vào nhà, mẹ ghé
tai ông thì thào:
- Họ đến tìm con!
- Ai vậy mẹ?
- Du kích và công an!
Ông nhìn mẹ lo lắng, nói:
- Mình có làm gì đâu mà sợ mẹ, chắc chuyện đi buôn thôi!
Mẹ không bớt lo âu nhưng cũng xuống dọn cơm, hai mẹ con vừa ngồi vào bàn
thì ba du kích cùng công an xã đi vào:
Với lý do không xin phép đi lại, anh bị bắt. Ở trại tạm giam huyện, anh
được biết thầy dạy Lý- Hóa của anh và ba người bạn học khác, bị bắt trước anh
nhưng cũng cùng ngày!
Hơn hai năm bốn tháng, ông trở về cùng mẹ. Lệnh tha ghi tội danh là:
“Nhen nhóm âm mưu lật đổ chính quyền”. Thầy ông phải ở thêm ba năm nữa mới được
tha.
Chiều hôm trở về, mẹ mừng quá, hét lên khi ông vào nhà. Đôi tay gầy guộc
ôm chặt lấy ông khóc mếu máo!
Sáng hôm sau, ông hỏi mẹ về mấy cuốn sách. Mẹ buồn rầu:
- Mẹ bán dần dần đi thăm nuôi, còn mấy cuốn thôi con ạ!
Anh cười lớn, nói cho mẹ yên lòng, mặc dù còn nhiều cuốn ông chưa kịp
đọc:
- Hết thì thôi, con đọc hết rồi mẹ ạ.
Những ngày trong tù, hàng tháng mẹ đi thăm đều đặn. Mẹ kể chuyện làng xóm,
người xắt cho ký thuốc rê, người cho đường tán, bánh tráng…Mẹ không tốn gì, chỉ
bán vài cuốn sách mua cho anh ít đồ ăn ngay như bánh mì, xôi, gói chè, nải
chuối…
Mẹ lôi cái bao gạo dưới gầm giường, anh sắp mấy cuốn sách ra xem: “Anh
em nhà Karamazov” của Dostoievsky, “Exodus” của Leon Uris, “Hố thẳm thư tưởng”
của Phạm Công Thiện, “Giọt lệ và nụ cười” của Kahlil Gibran và “Sử thi
Mahabhahta” của Ấn độ.
Những cuốn sách này dày hoặc do bìa mới, mẹ cho là hay, có lẽ ông quý
hơn cả nên chừa lại!
- Mẹ bán luôn đi, con cũng đã đọc những cuốn này rồi.
Bữa cơm trưa có thịt bò nhờ mấy cuốn sách nặng ký! Ông thầm nghỉ bữa ăn
gồm: Văn học Nga, Ấn độ, Ả rập, Việt nam và Mỹ(*) mà không thịnh soạn sao được!
Ông cười, gắp miếng thịt bò bỏ vào chén mẹ:
- Thịt bò ngon quá mẹ ạ, mẹ cùng ăn chứ sao con ăn hết được!
- Lâu lâu mới có người ở Động Mé lên bán xương bò của HTX, mẹ mua được
cái xương, lóc thịt ra đó.
Năm cuốn sách dày và hay, mua được cái xương
bò. Ông muốn cúi đầu tạ lỗi, tạ lỗi với những ai đã viết, đã dịch, đã bỏ công
sức làm nên những cuốn sách!
Sài Gòn, Tháng I, năm 2016.
Trạch An-Trần Hữu Hội
------------------------------------------------------------------------------------------------
(*) - “ Anh em nhà Karamazov” của Dostoievsky: Nga.
- “ Exodus- Về miền đất
hứa.” của Leon Uris: Mỹ.
- “ Hố thẳm tư tưởng”
của Phạm Công Thiện : Việt Nam.
- “Sử thi Mahabhata”:
của: Ấn Độ.
- “ Giọt lệ và nụ cười”
của Kahlil Gibran : Ả Rập.
bán rồi, tiếc quá
Trả lờiXóa