Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Đynh Trầm Ca: "Ru con tình cũ"







Đynh Trầm Ca
 “Ba năm qua em trở thành thiếu phụ,
   Ngồi ru con  như ru tình buồn…


                       Nhà thơ, nhạc Sĩ:Đynh Trầm Ca. 1941
                   http://mp3.zing.vn/bai-hat/Ru-Con-Tinh-Cu-Khanh-Ha/ZWZADOOI.html 
     
                                                  Trạch An - Trần Hữu Hội.

                       LTS:     Tôi đặc biệt mến mộ những người  làm văn nghệ đất  Quảng ! Càng mến mộ hơn với nhóm những nhà thơ, nhà văn và nhạc sĩ :Vũ hữu Định, Đynh Trầm Ca, A  Khuê, Luân Hoán, Vũ Đức Sao Biển…Còn nhiều nữa những tài năng cùng nhóm cùng thời !
                                   Thật ra tôi biết đến  những con người tài hoa này khá muộn màng, sau 75 nhiều năm,  khi mà kẻ thì đã mất, người thì đã thành danh và người thì làm kẻ phiêu bạt xứ người…Ngày tôi còn cắp sách đến trường thì họ đã nổi danh trong giới trẻ và học đường, nhất là những cô cậu Học trò thích thơ ca…
                                   Khoảng năm 1984, sau hai năm rời nhà vào Sài gòn sống lang thang vì chính quyền Địa phương “quan tâm” hơi nhiều với một kẻ vừa ở trại giam về. Tôi hợp đồng chụp ảnh với khu du lịch Bình Quới và nhà hàng nổi Thanh Đa, qua tên một người bạn.Tôi quá mừng  !
                                  Có một chốn kiếm sống đã  khó, nhưng Hộ Khẩu và chỗ đăng ký Tạm trú còn khó khăn hơn. Nay ngủ nhờ nhà bạn, mai nương nhờ nhà bà con…Những ánh mắt âu lo khi đang đêm có cuộc kiểm tra hộ khẩu và những lần ngồi trong nhà vệ sinh chờ đợi trong sợ sệt, lỡ  những người kiểm tra kéo cửa thì vô cùng lớn chuyện cho chủ nhà và cả cho mình ! Có những đêm, mệt rả người vì cả ngày lội bộ trong khu du lịch, miệng nói liên tục  vì nghề nghiệp…Tối lại,  ngồi bên xị rượu “cây lý” và mấy con sò, ở cầu Kinh, uống  mà phân vân chẳng biết tối nay trọ chỗ nào , ngủ nhờ nhà ai !!! Lắm lúc muốn  uống thật say rồi nằm đại cầu thang nào đó,  ra sao thì ra ! Muỗi mòng và lạnh lẻo thì không sợ vì nhờ rượu , nhưng rồi cũng chả dám, mất việc và không hình dung nổi những phiền phức, mà cũng có thể lại vào nhà giam vì tội vô gia cư !
                                   Hôm ấy, cũng ngồi một mình và cũng một nổi lo thường xuyên ấy, tôi thấy một người ghé vào mua mồi và rượu, trong khi chờ chủ quán, anh ta ngồi xuống nơi chiếc ghế cạnh bàn tôi đang ngồi, quay lại xin lỗi có vẽ nhả nhặn , tôi cũng mời một ly chân tình, anh ấy không khách khí , quay hẳn người  hỏi tôi ở lô nào trong Thanh Đa ? Tôi lắc đầu và nói ở tận quận 10 . Chuyện trò qua lại , anh mời tôi về nhà cùng tham gia bữa nhậu với bạn bè. Buồn ngủ gặp chiếu manh, lại qúa quen với những đêm ngủ hoang ,tôi theo anh ấy về nhà, không quên mua thêm 1 lit rượu “cây lý” và chục con sò…
                                   Họ chừng 6 người, cùng ở trong một lô, lô XI, có hai người phụ  nữ, là vợ của những người đang có mặt. Hơi ngại ngần một chút, nhưng rồi tôi cũng ngồi xuống bên người bạn mới sau khi được giới thiệu qua loa. Mọi người có vẻ coi như chuyên thường tình làm tôi an tâm. Cây Guitar nằm một góc chiếu, có lẻ họ chờ chút rượu gây cảm hứng…Hát nhạc vàng vẫn còn là một cấm đoán lúc này!
                                   Rồi không cần giới thiệu , một người cầm đàn , chị ngồi bên cạnh nói nhỏ gì đó và tiếng hát cất lên nhẹ nhàng mà não nề: ‘”Ba năm qua, em trở thành thiếu phụ, ngồi ru con, như ru tình buồn …” tôi lặng người, vì cả giọng ca và với bản nhạc lạ, “Thôi anh ơi, anh đừng hờn trách nữa, đời em như rong rêu tội tình xin gục đầu ghi dấu ăn năn, thôi đừng buồn em nữa nghe anh…”
                                  Lần đó tôi biết đến Đynh Trầm Ca và bản nhạc “Ru con tình cũ”…
                                  Sau này,Quen anh Trần Quang Lộc, gia đình bố mẹ amh cùng cư ngụ nơi địa phương tôi ở ( Sông Pha-Ninh Thuận)Tôi biết thêm nhiều nhờ nhạc sĩ Trần Quang Lộc . Tác giả nhiều bản nhạc hay , có nhiều bài phổ thơ của những người trong nhóm ấy….

                         
                               Tháng VII năm 2012.    
********************************************************************************
     
Trần Yên Hòa
Đynh Trầm Ca - Đi Như Là Trôi


Tôi biết đến tên Đynh Trầm Ca hình như đâu khoảng giữa năm 1968. Lúc đó tôi đang dạy học tại trung học Lý Tín, Quảng Tín. Khi cộng quân tấn công nhân dịp Tết Mậu Thân, trường trung học Lý Tín có thực hiện một chương trình văn nghệ để gây quỹ, cứu trợ nạn nhân chiến cuộc tết Mậu Thân. Cùng lúc đó, có một đoàn văn nghệ bên tổ chức đảng phái (VNQDĐ) QuảngTín, về chi khu Lý Tín sinh hoạt, nhằm giúp vui cho đồng bào và ủy lạo gia đình các nạn nhân. Tôi nghe học trò nói, có nhạc sĩ Đynh Trầm Ca trong Ban Văn Nghệ này. Danh tính Đynh Trầm Ca tôi nghe, biết từ đó, nhưng chưa được gặp anh lần nào.
Sau này (trước bảy lăm) tôi tiếp tục đọc thơ Đynh Trầm Ca đăng trên nhiều báo văn nghệ ở Sài Gòn, cho nên, tôi chỉ biết Đynh Trầm Ca trong vai một người làm thơ. Đến khi nghe bản nhạc “Ru Con Tình Cũ” của anh, được phổ biến rộng rãi khắp trên các đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội...Tôi mới biết, anh có thêm “tài năng” về sáng tác nhạc.
Đynh Trầm Ca sinh năm 1941, (có nơi ghi 1943) tại Điện Bàn Quảng Nam. Mẹ anh thuộc dòng dõi họ Đinh. Anh dùng họ mẹ làm chữ đầu trong bút hiệu, sau khi đổi chữ "i" thành chữ "y".
Thị trấn Vĩnh Điện, phía nam thành phố Đà Nẵng, đi dọc con đường 100, từ Đại Lộc xuống Hội An, Vĩnh Điện là điểm dừng chân giữa đường, đó là một thị trấn hiền hòa, tĩnh lặng như phần nhiều các thị trấn ở miền trung.
(Quảng Nam cũng có một nhạc sĩ tên là Vĩnh Điện, khá quen thuộc với giới âm nhạc)
 
Đynh Trầm Ca thuộc dòng họ khá hiếm. Anh mang họ Mạc. Tên thật của anh là Phụ. Gọi cả họ lẫn tên, gọn nhẹ hai âm Mạc Phụ.
 
Trong hai lãnh vực Thơ và Sáng Tác Nhạc, Đynh Trầm Ca đều xuất sắc cả, nhưng có lẽ, trước tiên, Đynh Trầm Ca xuất thân là một người làm thơ, nên tôi sẽ nói về một Đynh Trầm Ca, nhà thơ, với cuộc đời Đi Như Là Trôi của anh.
Năm 1969, Đynh Trầm Ca từng cho phát hành tập thơ Mắt Đêm dưới hình thức in ronéo. Tập Mắt Đêm của Đynh Trầm Ca từng được một nhà nghiên cứu giới thiệu là “một trong 5 tập thơ tiêu biểu của năm (1969)"
Đynh Trầm Ca Đi Như Là Trôi

Tôi gặp Đynh Trầm Ca trong một đêm, ở quán bún bò của Phan Như Thức trên đường Phạm Văn Hai, Tân Bình, Sài Gòn. Phan Như Thức lúc đi tù về cùng vợ mở quán bún bò ở đây và rủ anh em văn nghệ tới ăn ủng hộ. Chúng tôi gặp nhau thường xuyên mỗi tối thứ năm hằng tuần, để sinh hoạt văn nghệ bỏ túi. Bạn bè thân hữu với Phan Nhự Thức có Hà Nguyên Thạch, Phan Lạc Giang Đông, Phổ Đức, Trần Thế Phong, Huy Tưởng...Một hôm, nghe tin từ Phan Nhự Thức nói rằng, đêm nay sẽ có Hoàng Lộc từ Quảng Nam vào Sài Gòn phỏng vấn hay chuẩn bị đi Mỹ gì đó, lại có thêm Đynh Trầm Ca từ Long Xuyên về tham dự, nên tôi rất vui, rất háo hức mong đợi gặp được người thi sĩ mà tôi rất yêu thích qua những bài thơ của anh. (Lúc này Đynh Trầm Ca, sau một thời gian làm công nhân trong một hãng sản xuất kem đánh răng do nhà thơ Phan Xuân Sinh làm “chủ xị”, bị trầy lên trật xuống, lại lúc này, anh đã lấy vợ, có con, nên Đynh Trầm Ca lại phải trôi giạt về Long Xuyên sinh sống).
Đêm đó, khi Đynh Trầm Ca đến quán, anh như mang tất cả gió, cát, và nét phiêu lãng của người sống ở miền Nam trên con người anh, đến với bạn bè. Áo quần bạc màu, tóc tai dài thậm thượt. Nét phong sương chứa đựng trên toàn thân thể anh, làm cho tôi cảm động. Đêm đó, anh đến và hát, giọng hát anh thật hay, thật quyến rũ, thật đam mê. Anh hát những bản nhạc phổ từ thơ Hoàng Lộc, như bài Tới Ngày Em Quên, Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn...
 
Tôi “kết” Đynh Trầm Ca từ đêm hôm đó, nên sau này, sau nhiều chầu cà phê với nhau, tôi và anh có chút thân tình.
 
Sau khi về thăm gặp Hoàng Lộc, thăm gặp anh em văn nghệ tại quán bún bò Phan Nhự Thức, Đynh Trầm Ca thấy đất phương Nam (Long Xuyên) không tiếp đãi mặn nồng anh hay sao, hay theo lời khuyến dụ của bạn bè, là về Sài Gòn sống vẫn hơn, có đất làm ăn hơn (tức là Đynh Trầm Ca sẽ có môi trường phát huy tài năng của mình hơn về âm nhạc), cũng như về Sài Gòn, Đynh Trầm Ca sẽ chữa bịnh cho đứa con của anh tốt hơn, đứa bé bị bịnh mãn tính gì đó, theo lời anh nói, nên Đynh Trầm Ca, sau lần đó, anh bỏ Long Xuyên về lại Sài Gòn. 
Gia đình anh thuê một căn nhà nhỏ ở bên đường Nguyễn Văn Luông, quận 8. Một nơi tạm coi như là xa xôi, hẻo lánh, không có điện thoại, muốn liên lạc với Đynh Trầm Ca, phải gọi điện thoại tới một quán cà phê gần đó, nơi anh hay ra uống cà phê, nhắn lại, rồi anh sẽ gọi lại sau, nếu có việc gì cần.
Thời gian này Đynh Trầm Ca thất nghiệp, thường đi lang thang để kiếm việc làm, có lúc được có lúc không, nhưng anh không làm được một nghề gì lâu bền vì tính nghệ sĩ của anh. Rảnh rỗi, Đynh Trầm Ca hay tới sạp bán đồ phụ tùng xe đạp của tôi ở đường Nguyễn Huỳnh Đức (cũ) uống cà phê và đấu láo. Anh tâm sự với tôi là anh có nhờ một người bạn làm thơ, hiện làm cán bộ ở quận Phú Nhuận, hứa xin cho anh một miếng đất để cất một cái nhà nhỏ, để có chỗ “chui ra chui vào”, nhưng người bạn thơ  đó chỉ hứa với anh mà thôi, chưa có kết quả gì.
 
Thời gian này anh cũng xuất bản tập thơ Đi Như Là Trôi, có ra mắt sách ở hộâi trường khu Tao Đàn cũ, rất đông anh em văn nghệ cũ (mới) đến tham dự.
Thấy sống ở Sài Gòn cả vợ con, thuê nhà không đủ tiền trả, nên Đynh Trầm Ca đành cho vợ con về lại quê Long Xuyên, còn lại một mình anh ở Sài Gòn “cố bương chải”. Thời gian này anh thường hay đến chỗ tôi hơn, vì anh sống một mình. Có một lần tôi đi tìm anh, anh ở trọ nhờ nhà một người bạn quê Quảng Nam, làm chủ một nhà máy dệt ở Tân Bình, vì mến mộ tài năng của Đynh Trầm Ca nên cho anh ở trọ khỏi trả tiền. Anh đi làm thuê, làm đủ mọi chuyện để kiếm ăn qua ngày.
 
Chúng tôi thường có với nhau những chầu nhậu bằng rượu đế, bằng cốc, ổi, khô mực, để quên đi nỗi sầu đời.
*Một thời gian sau khi tôi đi Mỹ, khoảng hai, ba, hay  bốn năm gì đó, tôi nghe bạn bè nói lại, cuối cùng, Đynh Trầm Ca không trụ nỗi tại Sài Gòn nữa, lại thêm mẹ anh bị bệnh nặng ở Vĩnh Điện, cần có anh bên cạnh, nên Đynh Trầm Ca đành quy cố hương, anh dắt díu gia đình về lại Vĩnh Điện, sống trong căn nhà cũ cùng người mẹ đã già và bịnh hoạn cho đến khi bà mất. Sau ngày mẹ mất,  Đynh Trầm Ca không thể bỏ nơi này mà đi, nên đành trụ lại luôn ở đây. 
Những năm tháng gần đây, nghe nói anh lập được một quán cà phê lấy tên là Thạch Trúc Viên ở Vĩnh Điện.
Sự trở về này, đã khiến cho nhà thơ Nguyễn Hữu Thụy thương cảm và xúc động, Nguyễn Hữu Thụy đã viết tặng anh bài thơ, có những đoạn sau:
"Buộc phải lên tàu - hề ! qui cố hương
Riêng ta biết ước mơ người vẫn chảy
Có những điều mắt thường không dễ thấy
Cảm thông nhau như một nỗi buồn

Ba mươi năm đổi đời di dân
Nơi nào đến cũng đường cùng đất dữ
Nay về lại quê xưa chốn cũ
Bạc áo giang hồ - xếp mộng văn chương

Câu thơ tiễn người xuống ngựa buông cương
Kết thúc giữa ngày sinh ly tử biệt
Nói sao hết những điều không cần thiết
Nhớ đến nhau thầm lặng một nỗi buồn"
Thơ Đynh Trầm Ca
Bài thơ "Phương Nam Khúc Ca Trôi Dạt Của Khóm Lục Bình" đã gói được một góc hồn của Đynh Trầm Ca, khi anh đang "trôi" qua Cần Thơ, Long Xuyên vào tháng 2 năm 1989:
Đi
như là trôi
ta lần về phương nam
phía bầy én giang hồ gọi xuân về rối rít
phía những dòng sông đỏ phù sa chảy xiết
ta gặp thêm những cụm lục bình
trôi

Trôi
trôi
và trôi...
ta dần xa bến cũ
mấy mươi năm gió nhớ thổi mù trời
vẫn muốn chở về sông mẹ những nguồn vui
dù ta chỉ nở được
hoa tím nhạt
Đi
như là trôi...
Phương nam phương nam..
Những chuyến đi

“Sống trong cuộc đời là sống trong những di chuyển, những chuyến đi. Có những phiêu lưu vì tâm nguyện. Có những bôn ba vì mệnh số. Những chuyến di dời do kế hoạch, do mục đích hoặc chỉ do những tình cờ, đều có chung tính cách chuyển động và những phụ thuộc như chia ly, nhớ nhung, hoài niệm. Trong mỗi chúng ta, tôi tin rằng, vì hoàn cảnh hay vì một lý do nào đó đều đã có những thay đổi vị trí lưu cư nhiều lần. Đynh Trầm Ca cũng như chúng ta. Anh chỉ có thể hơn người khác ở chỗ biết ghi lại những cảm xúc, những ghi nhận của mình, trong từng chuyến xê dịch cùng cuộc sống. Những ghi nhận, lưu niệm của anh càng trở nên xuất sắc nhờ anh biết dựa vào thi ca. Có thể nói thơ Đynh Trầm Ca có nhiều nét nổi bậc. Sự phiêu bạt của anh là một trong những nổi bậc đó.
Để mô tả cho những đổi thay không gian của mình, anh đã rất thơ mộng, tinh tế, không dùng động từ "đi". Chọn động từ "trôi" để thay thế. Động từ "đi" có đầy đủ quyền chủ động. Dù di chuyển bằng chân hay tàu, xe, muốn dừng nơi nào mình đều chủ động thực hiện. "Trôi" trái lại, hoàn toàn bị động. Bản chất của di chuyển tùy thuộc vào hoàn cảnh, địa thế và nhất là những bất ngờ. Động từ "trôi" còn nói lên được cái bấp bênh, cái vô định, cả những cường độ cũng không tự quyết định được. Nhưng "trôi" cũng không quên nói lên vẻ thư thái, phiêu bồng, lãng du.
Đynh Trầm Ca đã "trôi" như thế nào ? đã qua những đâu ? Những gì anh đã thấy? Những gì anh đã nghe ? Những nét nào cuộc sống đọng cùng thơ anh?
Sau 29 tháng 3 năm 1975, từ giã những năm tháng cầm phấn viết trên bảng đen ở Quảng Nam, Đynh Trầm Ca cầm cuốc để gởi mồ hôi mình cho luống đất đã từng chôn-nhau-cắt-rún. Người nông phu bất đắc dĩ không phải vì thiếu tình với đất, nhưng cũng đã bứt áo ra đi, để từ đó trôi vào tận Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ, Sài Gòn... loanh quanh khắp miệt vườn miền Nam.
Miền Nam giàu sông nước, kinh lạch, nên cùng với đời, thơ Đynh Trầm Ca thật phong phú những tình khúc cận kề với những bến sông, những dòng chảy. Cũng từ nơi đây, anh lượm được những hình ảnh, những hơi thở, những tiếng hát của đời sống kém may mắn. Những hình ảnh thật xác xơ, tội nghiệp, nhớp nhúa, bẩn thỉu, nhưng qua ngôn từ thơ, bỗng nhiên được lột xác để trở thành những vật có linh hồn, sống động một cách chân thành. Cây đàn cũ mèm, chiếc thau vàng ố, cô bé nhỏ nhoi, nỗi đau mênh mông, người và người, người và nước mưa,và nước sông, và nước mắt... Cả thế giới hắt hiu ấy như có chút gì chợt sáng lên từ một tấm lòng biết nhìn ra, biết nghĩ đến, rất "Bất Chợt Trên Bến Đò Ngang" ngay trong lòng Sài Gòn, giữa những năm tháng đã qua khá lâu (tháng 5-1988). Trong túi Đynh Trầm Ca trống không khi anh thò tay định tìm một chút gì chia sớt. Nhưng trong lòng Đynh Trầm Ca nở được những nụ tình.
Dù trôi theo dòng chảy cuộc đời, Đynh Trầm Ca vẫn thong dong là một khóm lục bình, không bé mọn như một cách bèo.
 
Trong một ngày đẹp trời, anh đã trôi dạt đến Kế Sách Sóc Trăng, để được nhập vào một cánh hoa hương sắc, mang quí danh là Giang (tên vợ Đynh Trầm Ca hiện nay) . Từ đó bên mình anh, những nụ thương yêu theo nhau thơm ngát cả hành trình tiếp theo. Nỗi ngậm ngùi của Đynh Trầm Ca chỉ bơi quanh quẩn trong dòng nhớ thương quê nhà, nhớ thương những bóng hình đã trở thành kỷ niệm. (theo Hà Khánh Quân)
*Trong những bài thơ của Đynh Trầm Ca, tôi thích nhất bài này :
Cây Đàn Thương Nhớ 

buổi ta vác cây đàn ngang trường cũ
ai như em đứng ngó cuối hành lang
ai như ta ngồi mơ sau cửa lớp
có lẽ nào mình còn đó sao, Thu ?

buổi ta vác cây đàn xa trường cũ
 
em vẫn còn chạy nhảy dưới hàng soan
nên ta đi mà hồn thì quay lại
níu vai cầu hát gửi khúc chia tan

buổi ta vác cây đàn vào gió cát
 
hồn không theo nên thân xác liêu xiêu
ném nốt nhạc lên chín tầng mây dạt
nghe quê người mưa rớt hột cô liêu

ta gục xuống những đường gai đá nhọn
 
máu từ tim ứa nở cánh phượng đầu
ta muốn hái tặng em ngày tháng cũ
chợt ngậm ngùi: ngày vui đã qua mau!

ngày vui đã phai trên màu tóc cỏ
 
cỏ còn xanh -  đời xanh chẳng quay về
chỉ câu hát giữ em hoài bé nhỏ
nên ta thề: xin làm một kiếp ve!

để hát mãi về em thời đi học
 
cho trăm năm em vẫn nữ sinh hoài
(nhỡ có tiếc cũng xin em đừng khóc
đời không vui cho ta nhận riêng ai)

buổi ta vác cây đàn về quê cũ
 
qua dốc cầu gặp hồn nhỏ chơ vơ
hồn đứng với ba mươi năm hoài niệm
bên trường xưa (em có gặp bao giờ?)

ta lại vác cây đàn đi tứ chiếng
 
hồn theo ta qua những chốn mịt mùng
mây viễn phố bao chiều thay áo nõn
ta nâng đàn thương nhớ phả lên cung
Bây giờ Đynh Trầm Ca đã trở về chốn cũ, nơi anh đã chôn nhau, cắt rún, anh lại có được quán cà phê làm nơi làm ăn, sinh hoạt đời thường. Xin mừng cho anh. 
Nghe nói, anh em văn nghệ Quảng Nam từ xa về thăm Đà Nẵng, Hội An, cũng thường tụ tập đến quán Thạch Trúc Viên, để đọc thơ, giới thiệu sách, và nghe lại Đynh Trầm Ca ôm đàn hát bài « Tới Ngày Em Quên » với giọng khàn đục, với sự biểu diễn đầy đam mê của anh, nhắm khít đôi mắt lại, vừa đàn vừa hát, như trút cả tâm hồn, tâm sự vào lời ca. Điều đó cũng là hạnh phúc cho anh, chắc thế, và hạnh phúc cho những bạn bè đến với anh, đến với Thạch Trúc Viên.

Trần Yên Hòa








   


Tags:
Ru Con Tình Cũ

Sáng tác: Đinh Trầm Ca

Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình buồn
Xin một đời thôi tiếc thương nhau
Xin một đời ngủ yên dĩ vãng

Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình sầu
Kỷ niệm nào ghi dấu trên tay
Cho lòng này dài những cơn đau

ĐK:
Ôi ba năm qua rồi
Đời chưa nguôi gió bão
Người xa xôi phương nào
Người có trách gì không?

Thôi anh ơi anh đừng hờn trách nữa
Đời em như rong rêu tội tình
Xin gục đầu ghi dấu ăn năn
Thôi đừng buồn em nữa nghe anh

Bất Chợt Trên Bến Đò Ngang
Tác giả: Đinh Trầm Ca



Chiều qua bến đò ngang
tình cờ nghe bài hát cũ
người hành khất mù và cô gái nhỏ
cây guitar lạc phím
cũ mèm
chiếc thau nhôm móp méo
vàng ố
những đồng tiền

Cô bé hát
nỗi đau mênh mông của người tình phụ
chiều bay mưa hiu hắt dòng sông
khách qua đò cuối năm lưa thưa
có người dừng lại
mở bóp
tôi cho tay vào túi
rỗng không

Mấy mươi năm rồi người con gái qua sông
tôi viết lời ca sao buồn quá vậy?
những lời ca cho lòng tôi thủa ấy
ai biết bây giờ
bố con người hành khất dùng để hát ăn xin

Chiều rây rây những bui mưa êm
kỷ niệm cũ không hề sống lại
trong tôi chỉ lóe lên câu hỏi
biết bố con người hát rong kiếm đủ sống không?

Bên Đường Xin Một Vết Thương

Tác giả: Đinh Trầm Ca



Nghiêng nghiêng chiếc nón bài thơ
Nghiêng nghiêng suối tóc xõa bờ vai ngoan
Lòng tôi nghiêng một suối đàn
Xôn xao hoa lá, nồng nàn âm thanh

Em khua chi những bước chân
Trái tim tôi rụng và lăn trên đường
Gót son ơi, cứ bình thường
Tặng cho tôi một vết thương ban đầu 

Tôi thề tôi ráng chịu đau
Mai em cảm động và khâu lại giùm
Nếu vô tình cứ tung tăng
Trái tim trầy trụa vẫn lăn theo hoài !

Hèn Hò Ác Đức

Tác giả: Đinh Trầm Ca



Khi nỗi nhớ cồn cào lên 
Một người không đến làm điên một người 
Tình yêu ơi, người yêu ơi! 
Quanh ta lồng lộng đất trời cô liêu 
Sớm mai đợi đến xế chiều 
Lòng vui đợi đến đìu hiu cõi lòng 
Hẹn hò như rứa ác không? 
Trong ta nỗi - nhớ - ngựa - lồng hí vang!

Ngày Em Tựu Trường

Tác giả: Đinh Trầm Ca



Rồi nắng hạ vàng chợt phai mau 
Những con diều giấy bỏ trời cao 
Những chàng nhạc sĩ ve sầu chết 
Bặt tiếng vĩ ca mà thương nhớ nhau 

Rồi bãi biển chiều cũng vắng hoe 
Vì em đã hết một mùa hè 
Những chùm hoa phượng lao mình xuống 
Cho gió đầu thu đưa tiễn đi 

Rồi cũng trường xưa em lại về 
Rộn ràng áo trắng gió vân vê 
Chín mươi ngày ngủ yên phòng vắng 
Bàn ghế chào em giữa tỉnh mê. 

Rồi tôi cũng chợt gặp lòng vui 
Chợt nghe phường phố mới tinh khôi 
Bởi ngàn áo trắng bay tinh khiết 
Và rắc hương lành thơm khắp nơi. 

Đinh Trầm Ca

Thu Xưa

Tác giả: Đinh Trầm Ca



mùa thu sao lá không vàng
sân rêu, khóm cúc đã tàn từ lâu
em đi xa tự năm nào
để cho cam quýt mậm đào bỗng chua
tôi về vườn cũ ngày mưa
ngu ngơ không biết đời trưa hay chiều
từ ngày lạc dấu thương yêu
tôi đi về phía quạnh hiu đất trời
mùa thu, sao lá không rơi
ngồi nghe vàng rụng vào thời xa xăm
giọt ngâu rớt trúng chỗ nằm
em làm sao biết đời căm lạnh rồi
có ai về đó cùng tôi
phải em ngoài giếng làm rơi tiếng gàu?
sao tim tôi chợt nhói đau
vết bùn chân nhỏ in ngoài cầu ao
tiếng em cười tự thu nào
mà nghe rúc rích bên rào giậu thưa
em gọi tôi ở ngoài mưa
hay cơn gío lạnh nào vừa qua sông?
sao em không chọn mùa đông
mà đi lấy chồng lại đúng mùa thu
để vườn cũ giữa thâm u
để tôi sống giữa sa mù chiêm bao! 
Ðinh Trầm Ca



33 nhận xét:

  1. Vậy là anh cũng phiêu bạt bốn phương để rồi cuồi cùng Ninh Thuận lại là nơi nghỉ chân của mình ...
    HN cũng thích thế anh ạ ! Anh biết không lần đầu tiên vào Sài Gòn thi ĐH HN chỉ một mình và đến nhà bác họ ở cư xá Thanh Đa tá túc .Lô S nằm ngay bờ sông SG về đêm tuyệt đẹp ,Cũng cây đàn Gitar vì "Đời sinh viên có cây đàn Gitar..." .


    Trôi Trôi một quãng đường đời
    Dòng sông không lại về bờ bến xưa
    Chạnh lòng khi hát khúc ca
    Ngàn năm ru mãi tình xa nhưng gần .
    ...
    Với một tâm hồn lạc quan con người sẽ cảm thấy cuộc đời lúc nào cũng đáng yêu dù có khó khăn nối tiếp .
    "Ba mươi năm em trở thành thiếu phụ
    Ngồi ru con như ru tình buồn..."
    Cho đến hôm nay HN mới đọc hết được lời bài hát này vì đã nghe và nhớ mãi hai câu trên .
    HN cám ơn anh .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào HN. cũng là nhánh rong trôi trong dòng đời !Anh cũng nhiều ngày tháng lêu bêu em ạ. cảm ơn HN đã chia sẻ.
      Hảy luôn nhìn cuộc đời như những ngày mới bước chân vào DH HN nhé,

      Xóa
  2. Rất cảm ơn anh đã có một sưu tập nhỏ về tác giả thơ và nhạc ĐTC. Đó cũng là bài nhạc Hoài rất thích!
    Có thể xin phép anh được copy lại vài bài thơ của ĐTC không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Hoài đã nghe thăm. Cứ tự nhiên Hoài ạ. mục đích của mình là sưu tầm đễ giới thiệu và cùng cảm nhận sẻ chia mà. Mong Hoài ghé chơi luôn nhé, Chúc yên bình và khỏe luôn .

      Xóa
  3. HN đang giới thiệu đặc sản quê mình anh ạ .
    Sang thăm anh .
    UI trời ! Đàn Guitar mà HN viết sai .

    Trả lờiXóa
  4. Em khỏe không HN? Khoảng ngày nào em về ?
    Vui lươn nhé.Mến.

    Trả lờiXóa
  5. Dạ ! năm nay đến mùng 2 tết em mới về ạ ,vì có tang Ba nên chẳng dám đi đâu .

    Trả lờiXóa
  6. Anh biết rồi. chúc em luôn vui khỏe nhé HN.

    Trả lờiXóa
  7. Sống trong cuộc đời là sống trong những di chuyển, những chuyến đi...

    Trả lờiXóa
  8. Chào PT. Yên bình không em?
    Hạnh phúc cũng ở đó phải không PT?

    Trả lờiXóa
  9. Khiếp quá !!!Biệt tăm biệt tích làm người lớn tưỡng là không bao giờ còn gặp nửa chứ !!! PN khỏe luôn nhé !

    Trả lờiXóa
  10. Trả lời
    1. Cảm ơn HN nhé. Anh cũng chưa thăm HN thường xuyên được.Yen bình luôn em nhé.

      Xóa
  11. đi như trôi để câu thơ
    rơi lơ lững giữa hai bờ mộng du
    ... anh vui nha, mộc bận quá nên hơi lâu mới ghé anh đó, thông cảm nha!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh biết Mộc bận cho lần gặp mặt chứ gì...chúc thành công và vui nhiều thật nhiều nhé.

      Xóa
  12. http://blog.yahoo.com/_HLQ5PV6LOG7B3K3UNWZBZVRMRU/articles/921937#comment-item-1073077
    Em có nhà bên HK với đc này...Mọi thứ giống như yahoovn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh rất thích nhưng sợ nhiều nhà quá đi lại mệt. bạn bé có vui không PT? Chúc yên bình nhé!!!

      Xóa
  13. Bạn bè chia đôi...Hai nhà để dễ tìm nhau anh à! Lúc nào rãnh thì lang thang chứ có quy định nào đâu mà mệt hở anh.

    Trả lờiXóa
  14. Hình như PT có nhà bên tiếng việt nữa mà ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em thấy bên đó khó com quá...Lưu một số bài và để đó thôi...Lúc ấy em bắt chước anh... hì...hì... Anh còn sử dụng bên tiếng việt không?

      Xóa
    2. Anh cũng thích yahoo hơn. nhưng bên tiếng việt vẫn còn...sợ người ta bảo mua bán bất độngsản !!!!
      Vừa thăm nhà PT. Đọc và buồn !

      Xóa
  15. Bài viết chứa đựng quá nhiều kiến thức anh nhỉ??? Chúc anh ngày mới an lành ạ

    Trả lờiXóa
  16. NKCNC thăm anh nhé.hi..hi.. chúc anh năm mới vạn sự như ý nhé.TKN

    Trả lờiXóa
  17. Những câu chữ rơi bên đời_gạch nối
    Vọng về tim khắc khoải mong chờ!

    Trả lờiXóa
  18. Cảm ơn anh MTH ghé thăm và sẻ chia...Chúc anh luôn yên bình...

    Trả lờiXóa
  19. Hôm nay mới thấy nhà anh.Những bài viết hay nhiều xúc cảm ,ghé thăm anh chúc anh luôn bình an nha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Phố Núi. Vậy mà anh nghỉ là em biết nhà này rồi chứ ! Có gì vui không TT ?

      Xóa
    2. Em theo địa chỉ nay vô,không có gì vui cả vẫn là những nỗi buồn thôi

      Xóa
    3. Chào em Phố Núi, thì cũng thế thôi em, ....

      Xóa
  20. chào Anh em lang thang roi cũng gap anh , mừng khôn xiết . chúc anh luon khỏe bình an. ( chieubuon_65 ) blog cũ

    Trả lờiXóa
  21. A, Chào Chiều buồn. Đã biết nhà thí thỉnh thoảng ghé thăm nhau CB nhé. Chúc em luôn khỏe và yên bình.

    Trả lờiXóa