Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Chỉ biết cười thôi !!!!


Chỉ biết cười thôi!!!

Phải chăng mọi Thập tự đều như nhau, nhưng kẻ mang nó lại có sức chịu đựng khác nhau…
Hôm nay, lại nhận được những lời chia sẻ chân tình, thân mến của thân hữu! Trong vòng sáu năm, những tai ương bệnh tật hay làm khó tôi, nhưng rồi cũng cứ cười và rất mừng vì còn cười được!
                                                  BV Hồng Đức, Gò Vấp

         NHà Văn Đặng Châu Long , với bùa hộ mênh tại bv Thống nhất. (Biểu chương Đức Mẹ Lộ Đức)

Nhớ lại nhiều đều, xãy ra với mình cũng như anh em của mình…Ai cũng có những nỗi khổ, những nỗi đau, những khốn khó trong đời…
Bên cạnh tôi, nhà văn Từ Sâm, 13 năm đi từ bệnh viên lớn đến bv nhỏ, từ có tiền đến hết tiền, bán dần những gì bán được…Thuốc Tây y, thuốc Đông y…đễ chữa bênh ung thư, và cuối cùng anh đã sống!
Ngày thôi nôi đứa con đầu lòng cách nay 30 năm. Tôi tìm mua cho cháu cuốn sách, tôi tình cờ tìm được cuốn ”Quy luật muôn đời” của nhà văn Nodar Dumbatzer: ("Con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời. Như vậy sẽ có dịp phân tích và đánh giá lại toàn bộ quãng đường đã qua.." – (Batsana.)
Thân thể nằm bất động trên gường bệnh, bằng suy tưởng, hồi ức, bằng trò chuyện với 2 người bệnh cùng phòng là Đức Cha Iôram và bác thợ giày Bulika, Batsana tìm lời giải đáp cho những câu hỏi: Ta sinh ra đời để làm gì? Hạnh phúc là thế nào? Bản chất của cái Thiện là gì? )
Mấy ngày gần đây, anh Lê Viết Yên ( Việt Yên Lê) có đưa lên status tác phẩm này.
Tôi thì hai hôm nay nằm bệnh viện, (không nhớ là lần thú mấy trong vòng sáu năm) Cũng không thôi thao thức về mình, về tha nhân.
Hôm qua, tôi hơi thất vọng khi biết rằng bệnh “Tắc nghẽn phế quản mãn tinh- POCD” là bênh khó chữa lành, sẽ tái lại khi gặp một diều kiên như: Phấn hoa, lông thú, hóa chất, lạnh, khói bụi, khói thuốc lá...Và: “tỷ lệTử vong khá cao.”
Các bạn mới, là bệnh nhân lâu năm, tuổi cao có, tuổi trung niên có…18 năm mắc bệnh có, chín năm có, mới mắc có…Tôi là lính mới!
Mỗi năm trung bình họ cấp cứu ba lần…mỗi lần điều trị 15, 18 ngày…
Sau đó về làm việc nhè nhẹ, giữ gìn, tránh các nguyên nhân…
Chà, phiền toái thật, cứ tắc thở, chạy, hú vía…còn kịp. Rồi chữa…rồi cấp cứu…Thế này thì chán quá phải không các bạn.
Nhưng tôi cũng suy nghĩ lại, nếu khỏe mạnh hoàn toàn như một số người được hồng ân của Trên Cao thì không nói làm gì ( hiếm có). Còn biết bao bênh tật khác mà nếu mắc phải còn khổ hơn bênh COPD nhiều:
- Nếu ta mang bệnh suy thận. Hàng tuần phải đi chạy thận từ ba-bốn lần. tốn kém, đau đớn…Nếu không có ái đó hiến thận (Và ta có điều kiện kinh tế đễ ghép) thì xem như vô vọng!
- Bênh tai biến mạch máu não, nằm liệt hoặc sống thực vật chờ ngày chết.
- Những bênh thoái hóa cột sống, khớp gối…đau nhức thường xuyên hoặc những lúc trở trời..,
Ôi thôi, Thập giá nào mà không nặng. Chỉ có thái độ đón nhận, chịu đựng…sao cho nó trở nên bớt nặng nề trong kiếp con Người này mà thôi!
Chính Chúa Giê su, trong vườn cây dầu, trong đêm bị nộp cho quân dữ để chịu đóng đinh, còn phải toát mồ hôi máu, ngước mắt lên trời: “ Lạy Cha, nếu có thê, xin Cha cất chén đắng này. Nhừng không theo ý con…”
                                       ****
Có một câu chuyện mà có lẽ ai cũng biết, nhưng tôi vẫn kể lại: “ Một hôm, có anh kia vác một cây Thập giá đến với chúa Trời, vùa thở vùa trách móc:
- Cha ơi, sao cha cho con cái Thánh giá gì mà nặng quá thế này, cho con đổi cây khác đi Cha!
Chúa Trời nhẹ nhàng:
- Thế à con ta? Thôi thì còn đó đống Thánh Giá. Con lựa một cái nảo nhẹ nhất mà mang…
Anh kia vất vội cái Thánh Giá của mình vào đống…rồi lật, vác lên lượng sức…rồi ném xuống, vác lên ướm rất nhiều lần những cây Thánh giá.
Cuối cùng anh ta mừng rỡ :
- Có rồi Chúa ơi, cái này nhẹ, vừa sức con…Sao Chúa không cho con từ trước?
- Thế à, có nhẹ không con?
- Nhẹ mà.
- Ừ, thế thì con nhận lấy. Nhưng con xem lại là nó có phải là cái bấy lâu con đã mang không?
Anh kia nhìn lại. ủa sao quen quen…Chống hẵn xuống đất nhìn kỷ:  Đúng là cây mà mình đã mang bấy nay!
Con Người. Thượng đế tạo ra con Người khác con vật rất nhiều…Biết thương yêu, biết chịu đựng và nhất là mến yêu sự sống…
Tôi mang máng nhớ rằng trong tác phẩm nào đó nhà văn Saint Exupery. Đã cho nhân vật của mình nói, sau khi trở về từ tai nạn, máy bay rơi vào một cái khe, mà thổ dân nơi đây đều lắc đầu khi nhắc đếndói khát đến ăn hết đôi giày da:
“ …Những gì tôi đã làm, không có con vật nào làm được !”

                                   
                                                    ******

                                               Tháng 11/2016.
Viết sau 16 ngày nằm điều trị Suy tim cấp tai bênh viên Thống Nhất. SG.





Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

Tôn giáo nào tốt nhất ( Bài sưu tầm)





TÔN-GIÁO NÀO TỐT NHẤT...?
Đây là một mẩu đối-thoại ngắn với Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma, nhà Thần-học người Brazil, Leonardo Boff kể lại:
Tại một cuộc hội-thảo bàn tròn về “Tôn-giáo và tự-do” có Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma và tôi cùng tham-dự. Lúc tạm nghỉ, tôi hỏi ngài vừa tinh-nghịch vừa tò-mò:
- “Thưa ngài, tôn-giáo nào tốt nhất? ”
Tôi nghĩ ngài sẽ nói: “Phật-giáo Tây-tạng” hoặc “Các tôn-giáo phương Đông, lâu đời hơn Ki-tô giáo nhiều”. Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma trầm-ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt tôi… Điều này làm tôi ngạc-nhiên vì tôi biết đây là một câu hỏi ranh mãnh.
Ngài trả lời:
- “Tôn-giáo tốt nhất là tôn-giáo đưa anh đến gần Đấng tối-cao nhất. Là tôn-giáo biến anh thành con người tốt hơn”.
Để giấu sự bối-rối của tôi trước 1 câu trả-lời đầy khôn-ngoan như thế, tôi hỏi:
- “Cái gì làm tôi tốt hơn? ”
Ngài trả lời:
- “Tất cả những gì làm anh
- Biết thương-cảm hơn
- Biết theo lẽ-phải hơn
- Biết từ-bỏ hơn
- Biết dịu-dàng hơn
- Biết nhân-hậu hơn
- Có trách-nhiệm hơn
- Có đạo-đức hơn”.
- "Tôn-giáo nào biến anh thành như-vậy là tôn-giáo tốt nhất”.
-Tôi thinh-lặng giây lát, lòng đầy thán-phục, ngay cả bây giờ, khi nghĩ đến câu trả-lời đầy khôn-ngoan và khó phản-bác , Ngài tiếp :
- “Anh bạn tôi ơi! Tôi không quan-tâm đến tôn-giáo của anh hoặc anh có ngoan-đạo hay không . Điều thật-sự quan-trọng đối với tôi là cách cư-xử của anh đối-với người đồng-đẳng, gia-đình, công-việc, cộng-đồng và đối-với thế-giới .
Hãy nhớ rằng vũ-trụ dội lại hành-động và tư-tưởng của chúng ta . Quy-luật của hành-động (Action) và phản-ứng (Reaction) không chỉ dành riêng cho vật-lý . Nó cũng được áp-dụng cho tương-quan con người.
- Nếu tôi ở hiền, thì tôi gặp lành.
- Nếu tôi gieo gió, thì tôi gặt bão.
- Những gì ông bà nói với chúng ta là sự-thật thuần-túy . Chúng ta luôn nhận được những gì chúng ta làm cho người khác . Hạnh-phúc không phải là vấn đề số-mệnh . Đó là vấn-đề lựa-chọn.”
Cuối cùng ngài nói:
- “Hãy suy-tư cẩn-thận vì Tư-tưởng sẽ biến-thành Lời-nói,
- Hãy ăn-nói cẩn-thận vì Lời-nói sẽ biến-thành Hành-động,
- Hãy hành-xử cẩn-thận vì Hành-động sẽ biến-thành Thói-quen,
- Hãy chú-trọng Thói-quen vì chúng hình-thành Nhân-cách,
- Hãy chú-trọng Nhân-cách vì nó hình-thành Số-mệnh,
- Và Số-mệnh của anh sẽ là Cuộc-đời của anh.
-… và …
- "Không có tôn-giáo nào cao-trọng hơn Sự-Thật."
ST qua email.)


Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Cảm hứng nhân đạo của văn học tiễu trừ cái xấu, cái ác. ( Sưu tầm )



              
                                            * Sương Nguyệt Minh    

        
                                   Hình bìa " Tội ác và Hình Phat" Của Dostoievsky.

Có nhiều lúc tôi tự đặt câu hỏi: “Là nhà văn, phải làm gì có ý nghĩa bằng ngòi bút của mình?”. Là... sáng tác. Nhiệm vụ nhà văn là... sáng tác. Nhưng viết về cái gì, viết như thế nào, thật không dễ trả lời.
Nhà văn cũng là công dân, là con người bình thường trong xã hội. Nhà văn thấy kẻ trộm cắp trên xe bus có ngăn chặn không? Thấy bọn giang hồ trên vỉa hè thì đớn hèn chạy trốn hay can đảm hợp sức cùng mọi người truy bắt? Thấy kẻ hối lộ, tham nhũng... thì có khí phách vạch mặt chỉ tên? Thấy lối sống có phần xuống cấp, chỉ đứng nhìn thờ ơ hay lo lắng kiến nghị, góp phần xây dựng nhân cách con người tốt đẹp? Trách nhiệm công dân buộc nhà văn phải trả lời được các câu hỏi đó và chọn cho mình cách ứng xử phù hợp, hiệu quả nhất.

Còn nghĩa vụ nhà văn trước các vấn đề ấy như thế nào? Ngòi bút có dám đứng về “phe nước mắt” chống lại cái xấu, cái ác để bảo vệ những người lương thiện, những số phận yếu đuối không có khả năng phòng vệ không?

Lãnh tụ của nhân dân Ấn Độ Mahatma Gandhi nói rằng: “Đức hạnh là nền tảng của mọi thứ và chân lí là bản chất của mọi đức hạnh”. Một xã hội sẽ ra sao nếu con người không có đức hạnh và trong các mối quan hệ xã hội không lấy thước đo chân lí? Theo triết gia, nhà văn được giải thưởng Nobel Albert Camus thì: “Người không có đạo đức giống như con thú hoang bị thả rông vào thế giới”. Con người xã hội hay con người cá nhân, xét đến cùng cũng chỉ diễn ra theo hai xu hướng: hoặc là tiến tới văn minh vượt trội, hoặc là tha nhân tha hóa quay trở lại với bản năng hoang dã của loài thú. Con người đấu tranh để chống sự trở lại thời hồng hoang, chống thú hóa là quá trình diễn ra liên tục, không ngừng nghỉ. Trong đó, điều tiên quyết và quan trọng nhất là xây dựng được các bộ quy tắc đạo đức chuẩn mực để cái xấu, cái ác không có đất sinh sôi. Các nhà lãnh đạo quản lí sử dụng pháp luật, di sản văn hóa và các thiết chế văn hóa xây dựng đạo đức xã hội. Các gia đình vận dụng truyền thống quê hương, dòng họ, nếp nhà giáo dục các thành viên. Nhà trường ngoài việc dạy tri thức còn dạy môn luân lí (ngày xưa) và bây giờ là... giáo dục công dân. Nhà văn xây dựng nhân cách con người bằng... hình tượng nghệ thuật.

Nhà triết học khai sáng Jean-Jacques Rousseau nói rằng: “Ác quỷ nằm ấp ủ trong lồng ngực của kẻ khốn cùng”. Chó cùng cắn giậu, còn con người “bần cùng sinh đạo tặc”. Con người khi bị dồn đẩy đến chân tường tuyệt vọng thì cái xấu và cái ác xuất hiện, dù lúc ngày thường họ lành hiền, lương thiện. Cái xấu, cái ác do xã hội sinh ra và cũng do tự thân con người. Cái xấu, cái ác thời nào cũng có và chúng có sức sống dai dẳng như cỏ dại, diệt trừ không phải dễ. Lý Thông là một hình tượng về cái xấu gian manh, xảo trá. Mẹ con Cám là hình tượng của thói đố kị, ghen ghét đến nghiệt ngã tương tàn với ngay cả người thân trong gia đình. Người anh trong chuyện kể Cây khế lại đại diện cho sự tham lam như cái thùng không đáy... Các nhân vật trên đã trở thành “điển hình” trong văn học dân gian. Con người thời xa xưa không phải bất lực với cái xấu, cái ác đến mức phải cầu viện đến trời đánh chết Lý Thông và giáng xuống làm con bọ hung, mà đó chỉ là ước nguyện, mong muốn cái ác bị trừng trị và cảnh báo “ác giả ác báo”.

Motip cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa tốt đẹp và xấu xa cũng xuất hiện từ lâu trong đời sống nhân loại. Câu chuyện Lọ Lem hay Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn cũng là các bài học cảnh báo cái xấu, cái ác và răn dạy tránh xa, không làm điều xấu ác. Nhưng, viết về cái ác, cuộc đấu tranh chống cái ác với những dằn vặt ăn năn sám hối thì đỉnh cao phải thuộc về đại văn hào Dostoevsky cuối thế kỉ XIX. Có một thế giới tội ác trong lâu đài nghệ thuật Dostoevsky, nhưng cũng có một thế giới mĩ học hóa giải cái ác, tiễu trừ cái xấu cái ác, xây dựng nhân cách con người trong tác phẩm của ông. Anh em nhà Karamazov là sự nhiễu nhương, hỗn loạn của xã hội được khúc xạ vào câu chuyện gia đình tan rã, nơi cái ác, cái xấu xuất hiện ngay giữa người thân ruột thịt trong nhà. Fedor Pavlovic - ông bố trong gia đình Karamazov - vừa ranh mãnh, liều lĩnh, mánh khóe tiến thân làm giàu vừa keo kiệt, dữ dằn, đàng điếm biến nhà mình thành cái ổ truy hoan cùng các ả mèo mả gà đồng. Kẻ trụy lạc, trác táng như thế khiến người vợ đầu không sống nổi vì khinh bỉ chồng phải bỏ đi và người vợ sau hóa điên đến chết. Ông bố nhà Karamazov xấu xa vô đạo, vô thần quan niệm: “Ta cứ nghĩ, khi ta chết không thể nào quỷ lại không dùng móc câu lôi ta đi. Nhưng ta lại nghĩ: Móc ư? Chúng đào đâu ra móc. Làm bằng gì? Sắt ư? Thế thì rèn móc ở đâu? Ở địa ngục có xưởng rèn chắc?”. Con người đã vô đạo, vô thần và lí luận đơn giản thô thiển như vậy thì có thể làm tất cả mọi điều ác mà không sợ ác báo. Fedor Pavlovic cho vay nặng lãi, cướp đoạt đất của người nghèo bằng mọi thủ đoạn thâm hiểm, tranh giành gia sản và tranh đoạt tình yêu với con trai. Cha xấu xa và vô trách nhiệm thì con cũng không thể tốt. Con người bỉ ổi, băng hoại đạo đức như Fedor Pavlovic chính là nguyên nhân tích tụ hằn học, căm giận, lau xóa tình thương yêu dẫn đến xung đột âm thầm nghiệt ngã trong gia đình Karamazov và hậu quả là bi kịch con giết cha, con đi tù. Thế giới tội ác khủng khiếp, ghê rợn trong Tội ác và trừng phạt được Dostoevsky miêu tả trần trụi, nghiệt ngã. Raskolnikov đến nhà Alyona Ivanovna giàu nứt đố đổ vách và lạnh lùng cầm búa bổ vỡ đầu mụ để cướp tiền bạc. Mở két tiền xong, anh ta bắt gặp Elizabet, em gái mụ cầm đồ, liền vung búa hạ thủ luôn... Con người lạnh lùng, vô cảm song hành cùng cái ác. Thảm sát nối tiếp thảm sát!

Nữ nhà văn Emily Bronte viết Đồi gió hú không chỉ miêu tả câu chuyện tình dữ dội, ngang trái, mang tham vọng chiếm hữu đầy bi kịch giữa Catherine và Heathcliff mà còn ra thông điệp về cái ác sinh sôi trỗi dậy bởi cái ác, từ cái ác. Heathcliff vốn là đứa trẻ bị bỏ rơi được nuôi nấng ở “đồi gió hú” giữa vùng đồng cỏ hoang dã, nhưng bị xã hội, gia đình và cả số phận chống lại tình yêu của mình. Anh phát cuồng điên với cảm giác bị phản bội, trong đầu lúc nào cũng bừng bừng ngọn lửa ghen tuông, thù hận và hủy diệt, trả thù.
Thế giới cái xấu, cái ác phơi bày trần trụi trước mắt người đọc đến gai người lạnh gáy qua ngòi bút thần tình của các nhà văn chính là bản cáo trạng về tâm địa xấu xa đen tối của con người.
Nhà văn Maxim Gorky nói rằng: “Văn học là nhân học”. Nếu nói không quá thì văn học là môn dạy làm người. Người ta có thể học làm người qua văn học. Văn học làm giàu có, làm tốt đẹp đạo đức, tâm hồn con người như dòng sông lớn mang nặng phù sa bồi đắp làm màu mỡ tươi xanh châu thổ. Văn học không chỉ miêu tả cái xấu, cái ác để bạn đọc nhận diện, cảnh giác mà còn góp phần xây dựng nhân cách con người. Chỉ khi nào làm được điều này, tác giả mới làm tròn sứ mệnh nhà văn.
Nhà triết học Hegel nói rằng: “Giáo dục là nghệ thuật biến con người thành có đạo đức”. Tính giáo dục của văn học là tính cảnh báo, tính hướng thiện, tính xây dựng, chứ không chỉ miêu tả trần trụi cái ác, cái xấu rồi dừng lại. Dù người đọc bức bối, ngột ngạt bởi cái ác ươm mầm cái ác, cái ác hoành hành khiến tác giả có lúc bị nguyền rủa, lên án vì đã đẩy sự trả thù ghê rợn đến tận cùng nhưng Đồi gió hú vẫn là một tác phẩm có tính nhân văn cao cả. Khép lại tiểu thuyết, các hình ảnh về ông chủ mới của “đồi gió hú” - Heathcliff được chôn cạnh người tình xưa Catherine và đám cưới của Cathy với Hareton cùng chuyến viếng thăm ba ngôi mộ Catherine, Heathcliff và Edgar nằm cạnh nhau... là một thông điệp dùng yêu thương hóa giải hận thù được tác giả “cài cắm” một cách khéo léo.

Dù miêu tả cả một thế giới tội ác lạnh lùng, ghê rợn nhưng Dostoevsky vẫn “đặt” một nhân vật lương thiện là Aliosa trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov. Gia đình Karamazov tan nát song vẫn còn Aliosa nhân hậu, cần mẫn với thiên chức người thầy giáo để dạy những yêu thương và hi vọng về một thế giới tốt đẹp, nhân ái hơn. Dostoevsky xây dựng nhân vật Aliosa thế này: “Đây có lẽ là người duy nhất trên thế gian mà nếu bỗng nhiên bị bỏ mặc một mình, không có chút tiền nong nào trong một thành phố lạ một triệu dân thì anh ta cũng không khốn đốn, không chết đói chết rét, bởi vì tức khắc sẽ có người cho ăn và thu xếp cho, mà nếu không ai thu xếp cho thì anh ta cũng sẽ tự thu xếp được ngay, chẳng phải gắng gỏi gì hết và cũng không một chút quỵ luỵ, còn người giúp anh ta không hề cảm thấy đó là gánh nặng, trái lại có lẽ còn coi đó là niềm thích thú”. Nhà văn đã xây dựng một Aliosa nhân hậu làm thiên sứ rao giảng vẻ đẹp của tình yêu và lòng nhân ái.

Viết về cái ác quá trần trụi mà không mang đến người đọc niềm hi vọng và niềm tin về lòng thương yêu sẽ phản tác dụng. Bằng cảm hứng nhân đạo, viết tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt, Dostoevsky đã để cho Raskolnikov sống triền miên khổ sở trong nỗi dằn vặt, ân hận giày vò bản thân vì tội giết người cướp của. Anh ta luôn ăn năn nguyền rủa mình: “Ta là con sâu con bọ run rẩy hay ta có quyền lực?”. Nhân vật còn sám hối, thức tỉnh: “Ta đã giết không phải một con người, ta đã giết một nguyên lí”. Hình phạt ghê gớm của nhà văn dành cho nhân vật không phải là gông xiềng, hay cái giá treo cổ mà nỗi đau tiếc nuối làm điều ác giết người đồng thời cũng giết chết nhân phẩm của mình. Cuối cùng, ý nghĩa nhân đạo và cái thiện chiến thắng chính là hình ảnh Raskolnikov đến tòa tự thú, sau chín tháng sống dằn vặt, bất yên, khổ sở, giày vò.
 Văn học Việt Nam đã và đang viết về cái xấu, cái ác nhưng vẫn hướng thiện xây dựng nhân cách con người. Văn học dân gian không nói cái ác bị trừng trị bằng các khái niệm chung chung mà bằng các câu chuyện, bằng các chi tiết nghệ thuật ám ảnh. Lý Thông bị giáng thành con bọ hung sống chui nhủi trong đống phân. Mẹ con Cám lần lượt chết. Người anh tham lam trong Cây khế không chịu bỏ bớt vàng, nặng khiến cánh chim đại bàng không bay được và bị rơi xuống biển... Cái ác, cái xấu bị trừng trị như một hệ quả tất yếu. Truyện cổ tích thường hay được đọc từ thuở thơ dại. Những câu chuyện về thiện - ác ấy đọc một lần thì nhớ mãi, ám ảnh, không quên về sự được mất, phải trái, về sự tử tế, lương thiện và xấu xa, ác hiểm. Như mưa dầm thấm lâu, văn học dân gian đã góp phần xây dựng nhân cách con người tốt đẹp từ lúc nào đến chính mỗi người đọc cũng không hề biết.
Người viết văn chuyên nghiệp thời hiện đại không thể vô tình mà phải có ý thức thể hiện chức năng nhận thức và giáo dục trong tác phẩm thông qua hình tượng nghệ thuật. Người đọc văn sẽ học được cách làm người, học cái tốt, cái đẹp, cái chân thật và nhận thức cái xấu, cái ác một cách nhuần nhụy, tự nhiên thấm dần và cũng rút ra được kinh nghiệm, bài học hoàn thiện nhân cách. Ông Vũ Trọng Phụng sinh ra thằng cơ hội Xuân tóc đỏ, tên dâm ô trụy lạc Nghị Hách. Ông Nam Cao đẻ ra thằng lưu manh Chí Phèo, gã nham hiểm Bá Kiến... Để rồi qua các nhân vật xấu đó, người đọc nhận diện soi chiếu vào mình mà biết căm ghét, lên án, loại bỏ cái xấu, cái ác trong cuộc đời, hướng thiện và hoàn thiện mình.
 Một thời gian dài, văn học Việt Nam chìm sâu vào dòng cảm hứng viết về hiện thực đen tối, nghiệt ngã đầy rẫy cái xấu, cái ác trần trụi. Văn học nếu chỉ có thế thì vẫn chưa đủ. Xây dựng nhân cách con người qua văn học không chỉ viết về con người xấu, con người ác mà phải viết cả con người tốt. Nhưng có một sự thật là xây dựng nhân vật tốt bao giờ cũng là một thách đố với nhà văn. Những thằng dở người dở ngợm, những kẻ lưu manh như A.Q, Xuân tóc đỏ, Chí Phèo, Nghị Hách... hoặc nhân vật lạc thời, lỗi thời như Giang Minh Sài, lão Khúng... thì vẫn sống sờ sờ lừng lững trên từng trang sách. Song các nhân vật tốt rất khó đứng với thời gian, nếu có chăng thì rất ít ỏi... như Fantine Những người khốn khổ, như chị Dậu? Thách đố này, nhà văn phải đương đầu, phải dấn thân... viết về nhân vật thiện - tốt.
Văn học viết về cái xấu, cái ác, hay ủng hộ các tác giả viết về cái xấu, cái ác với cảm hứng nhân đạo cũng là hướng thiện, cũng là góp phần xây dựng nhân cách con người mới tốt đẹp

S.N.M


Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Quán Văn với Tôi ( Bài viết nhân kỷ niệm Năm năm tập san VHNT Quán Văn và ra mắt số 40)


Quán Văn với Tôi.

·    Trạch An-Trần Hữu Hội.
         

                                                  Quán Văn với Tôi. 
  
Những ngày sau Giáng sinh năm 2010, tôi trở về nhà, bỏ lại cái chân phải tại Bệnh viện 115, Sài gòn. Do căn bệnh “Tắc động mạch chi”.
       Bằng hữu đến thăm, an ủi chân tình với mất mát xác thân, tôi không thể không  buồn trong lòng, nhưng vẫn cười, nói vui với mọi người: Còn sống thế này là may rồi!
       Vâng, trong kiếp người mong manh, tôi tin là có sự Rủi - May của số phận.
Mất đi một cái chân, nhưng tôi còn một cái đầu khá tỉnh táo, một tâm hồn luôn khao khát sống, khao khát hạnh phúc…Với tôi, vẫn là một hồng ân so với muôn trùng khổ đau của kiếp làm người trong cõi nhân sinh.
Cũng vào thời gian cuối năm, năm 2013. Tôi quyết định vào Sài gòn ở cùng các con đang học và làm việc ở đây. Rời bỏ vùng đất Ninh Sơn, Ninh Thuận, nơi mà tôi đã gắn bó hơn bốn mươi năm không là việc dễ làm. Từ cơ ngơi vật chất đến tình cảm tinh thần!
Nhưng rồi tất cả đều thuận tiện, tôi đón cái tết đầu tiên cùng con cái, lại có thêm cháu nội ngoại đã định cư ở Sài gòn từ trước cùng đến, nên cái tết thêm ấm cúng và vui vẽ!
Những ngày này, tôi luôn nhớ đến một người, đang chống chỏi với căn bênh ung thư, anh ấy biết là tôi đã vào Sài gòn, chúc mừng sự suôn sẽ trong việc bán và mua nhà, anh cũng chúc tôi sớm ổn định cuộc sống nơi thành phố này và hẹn gặp nhau khi có thể.
Tôi đã quen biết anh, đã tâm sự cùng nhau về bệnh tật, những câu thơ và tâm trạng trong phòng MRI, đã cùng chia vui với anh trong chuyến anh đi sang Pháp gặp gỡ thân tình bè bạn…qua email và điện thoại.
Tôi hy vọng gặp anh sớm, nhưng những ngày tết là ngày gia đình sum họp, tôi tôn trọng thời gian quý báu này của anh, không gọi cũng không email…
Tôi không ngờ trong thời gian này anh phải ra vào bệnh viện nhiều lần…Rồi cuối cùng, tôi biết tin anh đã ra đi qua trang Facebook của một người bạn sinh hoạt trong nhóm Quán Văn: Hoàng Kim Oanh.
Muộn màng, tôi đến cùng anh trong đêm tiễn biệt của thân hữu.
Anh Chu Trầm Nguyên Minh.(*) Chúng ta có duyên biết mà không có duyên gặp nhau, dù đã ở cận kề!
Tôi có bài dăng trên tập san VHNT Quán Văn số 15, số có chủ đề về Sông Dinh, con sông nhỏ hiền hòa của Phan Rang-Ninh Thuận. Bài do anh Chu Trầm Nguyên Minh chọn: “Rủi-May”.
Từ đó, tôi biết tên một số anh chị em, là cây bút thường xuyên của nhóm nhưng chưa hề gặp ai.
Đêm tiễn biệt, tôi đến thắp nhang trước linh cửu nhà thơ, tác giả “Lời tình buồn”. Tấm chân dung không lạ vì đã nhiều lần trông thấy anh, tập thơ anh tặng mấy năm trước cũng có hình…Trong khói nhang, tôi nói: Không muộn, cũng không mất đi…khi tôi mãi còn có anh trong lòng, phải không anh!
Đêm hôm ấy, tôi biết nhà văn Nguyên Minh, chủ biên Quán Văn. Hoàng Kim Oanh, Trương Văn Dân và Elena. Ngoài ra không biết ai trong rất đông bằng hữu đến tiễn anh.
Tôi xúc động không kìm được nước mắt, khi nhà văn Nguyên Minh đứng trước di ảnh của anh, chắp hai bàn tay, kẹp ở giữa tuyển tập: “Quán Văn và Chu Trầm Nguyên Minh” đầm đìa nước mắt lâm râm…(sau này tôi được biết, anh đã khấn cùng người bạn đời, người bạn văn thân thiết: Hãy phù hộ cho tôi ra được đến số QV 100, chúng ta gặp lại nhau!).
                                                   ****
Trong những nhu cầu mà con người luôn mong mỏi, có ước mơ được sống, được giao tiếp đổi trao, sẻ chia tình cảm, hạnh phúc khổ đau…cùng tha nhân. Minh chứng rõ ràng và đầy đủ về sự hiện hữu của con người trong cuộc nhân sinh, được phản chiếu từ tấm gương của tha nhân, bằng hữu.
Tôi có một gia đình, ấm êm, yên bình với những gì đơn sơ nhất, nhưng chưa đủ, tôi cần có bằng hữu, cần có tình thân chia sẻ những buồn vui…của đời thường.
Sài gòn, nơi định cư mới và cũng có thể sẽ là chồn nương thân đến cuối đời.
May mắn cho tôi, cái duyên quen biết anh Chu Trầm Nguyên Minh đưa tôi đến với nhóm vhnt Quán Văn. Tôi được đón nhận như một người bạn, một người anh em, thân tình ấm áp.
Tôi vẫn viết từ sau ngày bị cắt chân, gởi bài cho các trang web trong và ngoài nước…Và từ số 17, tôi đã tham dự thường xuyên các buổi ra mắt Quán Văn, dù có bài hay không.
Năm 2014. Tôi xuất bản một tuyển tập, gồm những truyện ngắn đã đăng với cái tên: “Hạt Mầm Trót Vay”. NXB Hội Nhà Văn.
       
 
     
                       

                                            Ra mắt “ Hạt Mầm Trót Vay”.

Trong đời mình, tôi chưa bao giờ hân hoan như ngày ra mắt tập truyện. Nhà văn Nguyên Minh, đã ưu ái đứng tên trên thư mời bằng hữu, bạn viết, bạn văn-thơ…một tuần trước ngày ra mắt. Tại quán Thủy Trúc công viên Lê Thị Riêng, quận 10. Rồi hôm đó, anh đã ân cần giới thiệu tôi và tập truyện ngắn đầu tay với mọi người.
Anh Đoàn Văn Khánh không nề hà làm MC cho cây bút không tên tuổi trên văn đàn: Trạch An-Trần Hữu Hội. Anh Đoàn Đình Thạch, cô Hoàng Kim Oanh, Hoài Huyền Thanh nêu cảm nhận, sẻ chia điều tâm đắc về những câu chuyện, trong tập truyện…nhà thơ Nguyễn An Bình từ Cần Thơ cũng lên tham dự, tình nguyện làm phó nháy cùng anh Đặng Châu Long. Nguyễn Công Thụ…Cho tôi có những tấm hình kỷ niệm vê sự kiện này!
Quán Văn có các anh chị nhiệt tình đến cùng tôi: Nhạc sĩ nguyễn Phú Yên, anh Vũ Trọng Quang, anh Từ Hoài Tấn, anh Nguyễn Miên Thảo, anh chị Trương Văn Dân-Elena, Thơ Mã Lam, Nguyễn Ngọc Thơ, Ngô Thị Mỹ Lệ… Nhạc sĩ Nguyễn Nhi cũng hát tặng những nhạc phẩm của anh cho ngày vui.
Nhóm cựu Hs Nguyễn Hoàng (Quảng Trị), BBT Hương Quê Nhà và rất nhiều bạn văn, thân hữu…tham dự. Tôi rất vui khi có một nhóm Sinh viên trường Đh HK/XHNV và cô bé Hoàng Thảo với chiếc xe lăn, biết tin, đã đến tặng hoa và sẻ chia  với tôi niềm hân hoan, hạnh phúc…
Tôi vẫn nhớ hoài mấy lời mở đầu của anh Đoàn Văn Khánh: “Trong cái rủi có cái may, trong cái mất có cái được. Trần Hữu Hội sau khi bị mất một chân, mới có thời gian cầm bút ghi lại những mảng đời rất thực mà đa số tác giả có dự phần, trong tập truyện “Hạt Mầm Trót Vay”.
Năm sau. 2015, nhà Xuất bản Chương Văn ở Hoa Kỳ cũng đã Xuất bản lại “Hạt Mầm Trót Vay” và phát hành trên mạng phân phối toàn cầu: Amazon.
               

                                 Bìa “Hạt Mâm Trót Vay”- Nhà XB Hội Nhà Văn..2014.
                         

                  Hình bìa “Hạt Mầm Trót Vay”. NXB ChươngVăn, Hoa kỳ 2015                                                      
                                                           ****
Quán Văn đã đi một đoạn đường Năm năm, (Tháng mười, 2011- tháng mười 2016) với 40 số. Vẫn với tôn chỉ là sân chơi của mọi người, của tất cả những ai yêu thích Văn Chương,

                         

                                          Ra mắt QV 38. “Bên sông Côn”
     Cà phê cùng GS Nguyễn Đăng Hưng, KTS, HS Phạm Văn Hạng, chủ biên Nguyên                                          Minh và thân hữu Quán Văn.

Gần ba năm tham dự những lần ra mắt đầy niềm vui. Tôi được khá nhiều trong những lần đó.
Gặp gỡ những cây bút đàn anh, có những người mà trước đây tôi ngưỡng mộ, không hề nghĩ là có một ngày gặp mặt, bắt tay thân tình với nhau như: Nhà văn Mang Viên Long; nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên, Tôn Thất Lan; dịch giả, nhà thơ Thiếu Khanh, nhá Biên Kịch và phê bình phim Sâm Thương; Bác sĩ, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc, nhà thơ Phạm Thiên Thư, Trần Dạ Lữ, Võ Chân Cữu, Võ Quê; Triệu Từ Truyền, nhà văn Kiệt Tấn, nhà phê bình Đặng Tiến…Các anh đã lớn tuổi nhưng vẫn năng động, sức sáng tác vẫn tràn đầy và nhất là rất chân tình với những người cầm bút muộn màng như tôi.
Tôi vẫn tin có sự Rủi-May trong cuộc đời, ít ra là với số phận của tôi!


              
                                                    Trạch An-Trần Hữu Hội
                                                  Sài Gòn, tháng 9, năm 2016.
      
                                 

    (*) Nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh. Tác giả bài thơ: " Lời tình buồn" Nhạc sĩ Vũ Thành An  phổ thành ca khúc cùng tên.                               













                       



>





                       



Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Phạm Thiên Thư với Ngày Xưa Hoàng thị...





Thi Sĩ: Phạm Thiên Thư.


·                                
Với nhVới nhiều người thì Ngày xưa Hoàng thị (kể cả thơ lẫn nhạc) từng là một tuyệt tác. Nhưng với chính nhà thơ Phạm Thiên Thư thì “đó chỉ là những kỷ niệm dĩ vãng, mối tình thoảng nhẹ vu vơ của thời trai trẻ”.
Quê ông ở Kiến Xương- Thái Bình nhưng ông sinh ra ở Lạc Viên- Hải Phòng. Năm 1954, khi mới 14 tuổi, ông theo cha mẹ di cư vào miền Nam, ngụ tại căn nhà gần khu Tân Định- Sài Gòn.
“Tôi vẫn nhớ tới căn nhà những ngày ấy, đó là một căn nhà nhỏ nằm đằng sau chợ Tân Định. Cha tôi xin cho tôi học tại trường Trung học Văn Lang cách nhà chừng non một cây số. Tôi đã học hết tú tài ở đó”.
Ông nhớ lại: Cũng trong những năm học tú tài này, ông đã để ý một cô bạn học cùng lớp tên là Hoàng Thị Ngọ, cô gái đó quê gốc Hải Dương, ở gần nhà ông. Nhưng chỉ là để ý thôi chứ không dám ngỏ lời. Hàng ngày, khi xếp hàng vào lớp, cô gái đứng ở đầu hàng bên nữ, nổi bật, mái tóc dài xoã trên bờ vai mảnh dẻ. Ông chỉ im lặng ngắm nhìn. Rồi khi tan trường, cô gái một mình trên đường về nhà, ông lại là kẻ lẽo đẽo theo sau.
“Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết”.
Sau khi học xong tú tài, khác với nhiều người, Phạm Thiên Thư chọn cửa Phật làm chốn dừng chân. Ông theo học trường Phật học Vạn Hạnh, gửi hồn trong lời Kinh tiếng Kệ.
Thế nhưng mỗi khi đi ngang con đường một thuở, hình ảnh cô gái với mái tóc xoã ngang vai lại hiện về trong ông. Và trong một lần đắm chìm trong cảm xúc ấy, ông đã cầm bút viết lên bài thơ Ngày xưa Hoàng thị: “Em tan trường về- Đường mưa nho nhỏ - Chim non giấu mỏ - Dưới cội hoa vàng…”.
Ông tâm sự: “Đây không phải là bài thơ đầu tay của tôi. Cha tôi tuy làm nghề thuốc nhưng ông có làm thơ, tôi còn nhớ ông đã từng đạt giải Nhì về thơ do một tờ báo ở Hà Nội trao tặng.
Khi còn nhỏ tuổi tôi cũng đã làm vài bài thơ và được cha tôi khen. Nhưng tôi làm thơ chủ yếu để trải lòng mình chứ không làm thơ chuyên nghiệp.
Vì vậy mãi đến năm 1968, tôi mới tự xuất bản tập thơ đầu tiên. In ít thôi, chủ yếu để mình đọc và tặng một số bạn bè thân. Tôi chẳng muốn nhiều người biết về mình”.
“Thế khi nào mọi người mới biết tới những bài thơ của bác?”- “Ấy là khi chúng tôi nhờ nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc 10 bài Đạo ca do tôi viết lời, Phạm Duy gặp và tình cờ đọc được tập thơ của tôi. Tôi cũng không nghĩ nhạc sỹ lại thích bài thơ Ngày xưa Hoàng thị đến thế, ông đề nghị phổ nhạc bài thơ đó. Dĩ nhiên được một nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy để ý đến bài thơ của mình thì có gì hạnh phúc bằng. Và tôi cũng bất ngờ nghe lại bài thơ của mình khi đã phổ nhạc. Nhạc sĩ đã tôn bài thơ lên rất nhiều qua những giai điệu nhạc bay bổng”.
Vào những năm 70, bài Ngày xưa Hoàng thị đã trở thành một hiện tượng tại miền Nam Việt Nam. Ca sĩ Thanh Thúy là người đầu tiên thể hiện bài hát này và sau đó nhiều ca sĩ khác cũng chọn bài Ngày xưa Hoàng thị để hát, tạo thành trào lưu.
Thậm chí báo chí Sài Gòn cũng vào cuộc, nêu câu hỏi “Nhân vật chính trong Ngày xưa Hoàng thị là ai?”. Một số người tự nhận mình là nhân vật của bài thơ, số khác thì phân tích bài thơ rồi cho rằng nhân vật chính trong bài thơ là cô A, cô B nào đó...
“Ngày đó báo chí cũng gặp tôi hỏi chuyện tôi nói rằng đó là cô Hoàng Thị Ngọ nhưng không biết tại sao nhiều người vẫn không tin”. Ông bảo.
Nhạc sĩ Phạm Duy còn phổ nhạc thêm một số bài thơ tình khác của ông như Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đoá tình sầu, Em lễ chùa này
Căn nhà của ông giờ là một quán cà phê nhỏ mang tên “Hoa vàng”, có lẽ ông lấy từ bài “Đưa em tìm động hoa vàng” để đặt tên.
Quán nhỏ nhưng bài trí khá đẹp nên khá đông khách. Có lẽ ít ai vào quán lại để ý tới một ông già có dáng như một lão nông hay ngồi lặng lẽ trong góc nhà lại chính là nhà thơ Phạm Thiên Thư.
Ông cười: “Thì tôi đâu dám nhận mình là nhà thơ”. Biết chúng tôi đang tìm hiểu về bài Ngày xưa Hoàng thị, cô con gái của ông tinh ý mở lại bản nhạc. Giọng ca của Thanh Thúy cất lên: “Em tan trường về- Đường mưa nho nhỏ…”
Ông buông bút, nhắm mắt. Có lẽ ông đang hồi tưởng về những ngày xa xưa, những ngày trên con đường trải nắng vàng, một chàng trai trẻ lẽo đẽo theo chân cô gái tên Ngọ có mái tóc dài xoã ngang vai… để rồi làm nên những vần thơ lung linh và xót xa đến thế.
Theo Tiền Phong.
         
           Nhà Thơ Phạm Thiên Thư.           
 
                                                                      Trạch An-Trần Hữu Hội.

Tôi tham dự những buổi ra mắt tập san VHNT Quán Văn thường xuyên, kể tử sau số 15, số đầu tiên tôi có đăng truyện ngắn. Cũng là sau khi tôi rời Ninh Thuận, năm 2013, nơi tôi đã sống 40 năm. Vào định cư tại Sài gòn.
May mắn cho tôi, bấy lâu thích văn chương thơ phú, nhưng không có đều kiện viết về những gì mình đã sống, đã dự phần…Nay, một căn bệnh cắt mất một phần thân thể, việc mưu sinh tạm để cho đời đưa đẩy đẩy đưa. Tôi cầm bút thực hiên mong ước từ thời thanh xuân: Viết…
Cuộc sống luôn có những bất ngờ mang tính định mệnh.
Từ ngày tham gia cùng nhóm VHNT Quán Văn, tôi gặp gỡ thường xuyên với những nhà văn, nhà thơ…Trong số đó có những người mà thời trai trẻ, tôi đã ngưỡng mộ, kính phục…
Nhà Thơ Phạm Thiên Thư là một trong số ấy.
Trước lúc ra mắt tập san Quán Văn nào đó, khoảng chừng số 22 (?). tôi đang chuyện trò cùng nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên (Tác giả bản nhạc “Thuyền đêm”.) thì nhà giáo Lê Viết Yên đến, cùng đi, có một người, mà nhìn qua thì không biết có viết văn, làm thơ gì không! Bên ngoài người ấy không tạo một ấn tượng nào với người gặp gỡ. Ông chào tôi và nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên. Rồi lôi ống Pip ngậm, bập bập…rồi như lập tức chìm vào trầm tư.
Một lát sau, anh Lê Viết Yên (Dạy môn VHVN tại Đh Tôn Đức Thắng) quay qua, đưa cho tôi tập thơ mỏng, “ Động hoa vàng” của nhà thơ Phạm Thiên Thư. anh ấy nói nhỏ vừa đủ nghe: Giới thiệu với Trạch An, Tác giả đây! Rồi nói với “người trầm tư” : Giới thiệu với anh đây là nhà văn Trạch An-Trần Hữu Hội.
Tôi thật sự choáng, Phạm Thiên Thư (PTT) của “ Động Hoa Vàng, Đạo Ca, Đoạn trường Vô Thanh …” đây ư!?
Không có diều kiện đọc thơ của PTT nhiều, nhưng qua những bài thơ của PTT. mà Phạm Duy phổ thành ca khúc đã thực sự chinh phục không riêng gì tôi, mà cả một thế hệ trẻ trước 1975, Tôi yêu mến nhà thơ này vô cùng!
Nhìn chử ký và nét chử đề tặng, rõ ràng, đẹp thật sự, trong trang đầu tập thơ, tôi nắm tay PTT lí nhí: Em cảm ơn anh!
Một hôm, nhà thơ Trần Thoại Nguyên gọi điện bất ngờ, hỏi tôi nếu rãnh thì ghé quán Hoa Vàng uống cà phê, tôi hỏi quán ở đâu, anh ấy ngạc nhiên: Bộ Trạch An không biết quán Hoa Vàng thật sao? Rồi anh ấy chỉ đường, ờ chung cư Bắc Hải…và nói đó là quán của Phạm Thiên Thư. Nơi đây, thường xuyên có một vài văn nghệ sĩ ngồi chơi, thỉnh thoảng có nhà văn, nhà thơ và cả người hâm mộ từ Hải Ngoại về, ghé thăm nhà thơ. Tác giả “Ngày xưa Hoàng Thị”.
Nhà Văn Nguyên Minh, chù biên tập san VHNT Quán Văn,  Hôm ra mắt số 31: “Sông nước miền Tây”. Ghé tai tôi: Sồ 32 chủ đề là nhà thơ Phạm Thiên Thư, chuẩn bị bài nhé.
Tôi thích lắm nhưng để viết về PTT thì chả dám, lại thêm, đây không phải là sở trường của tôi…
Hôm ra mắt, tôi tình cờ ngồi cùng nhà thơ, Tác giả “ Ngày xưa Hoảng Thị” xúc động lắm, Ông nhắm mắt mơ màng khi dàn máy magne Teak 1800SD, một loại máy nghe nhạc quý hiếm thời trước 75, quay nhè nhẹ, phát ra giọng ca cao vút của ca sĩ Thái Thanh: “ em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, em tan trường về…”
Theo tôi “Động Hoa Vàng” và “ Đoạn Trường Vô Thanh” mới là đỉnh cao, là tuyệt thi của PTT với thể thơ lục bát…
                                                   
                                                
                     
                                        Nhà Thơ Phạm Thiên Thư với Trần Hữu Hội.
                                          Ra mắt Quán Văn 32- Phạm Thiên Thư.
                                 Phạm Thiên Thư và Trần Hữu Hội

                                

                                              Quán cafe HOA VÀNG. 
                                                       
                                                        Sài gòn, 21 tháng 9 năm 2016.
                                                             Trạch An-Trần Hữu Hội

                                                                                                   



Ngày xưa Hoàng thị

                      * Phạm Thiên Thư

Em tan trường về 
Đường mưa nho nhỏ 
Chim non giấu mỏ 
Dưới cội hoa vàng 

Bước em thênh thang 
Áo tà nguyệt bạch 
Ôm nghiêng cặp sách 
Vai nhỏ tóc dài 

Anh đi theo hoài 
Gót giầy thầm lặng 
Đường chiều úa nắng 
Mưa nhẹ bâng khuâng 

Em tan trường về 
Cuối đường mây đỏ 
Anh tìm theo Ngọ 
Dáng lau lách buồn 

Tay nụ hoa thuôn 
Vương bờ tóc suối 
Tìm lời mở nói 
Lòng sao ngập ngừng 

Lòng sao rưng rưng 
Như trời mây ngợp 
Hôm sau vào lớp 
Nhìn em ngại ngần 

Em tan trường về 
Đường mưa nho nhỏ 
Trao vội chùm hoa 
Ép vào cuối vở 

Thương ơi vạn thuở 
Biết nói chi nguôi 
Em mỉm môi cười 
Anh mang nỗi nhớ 

Hè sang phượng nở 
Rồi chẳng gặp nhau 
Ôi mối tình đầu 
Như đi trên cát 

Bước nhẹ mà sâu 
Mà cũng nhoà mau 
Tưởng đã phai màu 
Đường chiều hoa cỏ 

Mười năm rồi Ngọ 
Tình cờ qua đây 
Cây xưa vẫn gầy 
Phơi nghiêng ráng đỏ 

Áo em ngày nọ 
Phai nhạt mấy màu? 
Chân tìm theo nhau 
Còn là vang vọng 

Đời như biển động 
Xoá dấu ngày qua 
Tay ngắt chùm hoa 
Mà thương mà nhớ 

Phố ơi muôn thuở 
Giữ vết chân tình 
Tìm xưa quẩn quanh 
Ai mang bụi đỏ 

Dáng em nho nhỏ 
Trong cõi xa vời 

Tình ơi tình ơi!
                               Phạm Thiên Thư

Li bài hát "Ngày xưa Hoàng th" ca nhc sĩ Phm Duy

Ngày xưa Hoàng Thị 

Em tan trường về 
Đường mưa nho nhỏ 
Em tan trường về 
Đường mưa nho nhỏ 
Ôm nghiêng tập vở 
Tóc dài tà áo vờn bay 

Em đi dịu dàng 
Bờ vai em nhỏ 
Chim non lề đường 
Nằm im giấu mỏ 
Anh theo Ngọ về 
Gót giày lặng lẽ đường quê 

Em tan trường về 
Anh theo Ngọ về 
Chân anh nặng nề 
Lòng anh nức nở 
Mai vào lớp học 
Anh còn ngẩn ngơ ngẩn ngơ 

Em tan trường về 
Mưa bay mờ mờ 
Anh trao vội vàng 
Chùm hoa mới nở 
Ép vào cuốn vở 
Muôn thuở còn thương còn thương 

Em tan trường về 
Anh theo Ngọ về 
Em tan trường về 
Anh theo Ngọ về 
Môi em mỉm cười 
Man man sầu đời tình ơi 

Bao nhiêu là ngày 
Theo nhau đường dài 
Trưa trưa chiều chiều 
Thu đông chẳng nhiều 
Xuân qua rồi thì 
Chia tay phượng nở sang hè 

Rồi ngày qua đi qua đi qua đi 

Như phai nhạt mờ 
Đường xanh nho nhỏ 
Như phai nhạt mờ 
Đường xanh nho nhỏ 
Hôm nay tình cờ 
Đi lại đường xưa đường xưa 

Cây xưa còn gầy 
Nằm quay ván đỏ 
Áo em ngày nọ 
Phai nhạt mây màu 
Âm vang thuở nào 
Bước nhỏ tìm nhau tìm nhau 

Xưa tan trường về 
Anh theo Ngọ về 
Nay trên đường này 
Đời như sóng nổi 
Xoá bỏ vết người 
Chân người tìm nhau tìm nhau 

Ôi con đường về 
Ôi con đường về 
Bông hoa còn đẹp 
Lòng sao thấm mềm 
Ngắt vội hoa này 
Nhớ người thuở xưa thuở xưa 

Xưa tan trường về 
Anh theo Ngọ về 
Xưa tan trường về 
Anh theo Ngọ về 
Đôi chân mịt mù 
Theo nhau bụi đỏ đường mưa 

Xưa theo Ngọ về 
Mái tóc Ngọ dài 
Hôm nay đường này 
Cây cao hàng gầy 
Đi quanh tìm hoài 
Ai mang bụi đỏ đi rồi 
Ai mang bụi đỏ đi rồi 
Ai mang bụi đỏ đi rồi


Ngày xưa hoàng th