Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Cảm hứng nhân đạo của văn học tiễu trừ cái xấu, cái ác. ( Sưu tầm )



              
                                            * Sương Nguyệt Minh    

        
                                   Hình bìa " Tội ác và Hình Phat" Của Dostoievsky.

Có nhiều lúc tôi tự đặt câu hỏi: “Là nhà văn, phải làm gì có ý nghĩa bằng ngòi bút của mình?”. Là... sáng tác. Nhiệm vụ nhà văn là... sáng tác. Nhưng viết về cái gì, viết như thế nào, thật không dễ trả lời.
Nhà văn cũng là công dân, là con người bình thường trong xã hội. Nhà văn thấy kẻ trộm cắp trên xe bus có ngăn chặn không? Thấy bọn giang hồ trên vỉa hè thì đớn hèn chạy trốn hay can đảm hợp sức cùng mọi người truy bắt? Thấy kẻ hối lộ, tham nhũng... thì có khí phách vạch mặt chỉ tên? Thấy lối sống có phần xuống cấp, chỉ đứng nhìn thờ ơ hay lo lắng kiến nghị, góp phần xây dựng nhân cách con người tốt đẹp? Trách nhiệm công dân buộc nhà văn phải trả lời được các câu hỏi đó và chọn cho mình cách ứng xử phù hợp, hiệu quả nhất.

Còn nghĩa vụ nhà văn trước các vấn đề ấy như thế nào? Ngòi bút có dám đứng về “phe nước mắt” chống lại cái xấu, cái ác để bảo vệ những người lương thiện, những số phận yếu đuối không có khả năng phòng vệ không?

Lãnh tụ của nhân dân Ấn Độ Mahatma Gandhi nói rằng: “Đức hạnh là nền tảng của mọi thứ và chân lí là bản chất của mọi đức hạnh”. Một xã hội sẽ ra sao nếu con người không có đức hạnh và trong các mối quan hệ xã hội không lấy thước đo chân lí? Theo triết gia, nhà văn được giải thưởng Nobel Albert Camus thì: “Người không có đạo đức giống như con thú hoang bị thả rông vào thế giới”. Con người xã hội hay con người cá nhân, xét đến cùng cũng chỉ diễn ra theo hai xu hướng: hoặc là tiến tới văn minh vượt trội, hoặc là tha nhân tha hóa quay trở lại với bản năng hoang dã của loài thú. Con người đấu tranh để chống sự trở lại thời hồng hoang, chống thú hóa là quá trình diễn ra liên tục, không ngừng nghỉ. Trong đó, điều tiên quyết và quan trọng nhất là xây dựng được các bộ quy tắc đạo đức chuẩn mực để cái xấu, cái ác không có đất sinh sôi. Các nhà lãnh đạo quản lí sử dụng pháp luật, di sản văn hóa và các thiết chế văn hóa xây dựng đạo đức xã hội. Các gia đình vận dụng truyền thống quê hương, dòng họ, nếp nhà giáo dục các thành viên. Nhà trường ngoài việc dạy tri thức còn dạy môn luân lí (ngày xưa) và bây giờ là... giáo dục công dân. Nhà văn xây dựng nhân cách con người bằng... hình tượng nghệ thuật.

Nhà triết học khai sáng Jean-Jacques Rousseau nói rằng: “Ác quỷ nằm ấp ủ trong lồng ngực của kẻ khốn cùng”. Chó cùng cắn giậu, còn con người “bần cùng sinh đạo tặc”. Con người khi bị dồn đẩy đến chân tường tuyệt vọng thì cái xấu và cái ác xuất hiện, dù lúc ngày thường họ lành hiền, lương thiện. Cái xấu, cái ác do xã hội sinh ra và cũng do tự thân con người. Cái xấu, cái ác thời nào cũng có và chúng có sức sống dai dẳng như cỏ dại, diệt trừ không phải dễ. Lý Thông là một hình tượng về cái xấu gian manh, xảo trá. Mẹ con Cám là hình tượng của thói đố kị, ghen ghét đến nghiệt ngã tương tàn với ngay cả người thân trong gia đình. Người anh trong chuyện kể Cây khế lại đại diện cho sự tham lam như cái thùng không đáy... Các nhân vật trên đã trở thành “điển hình” trong văn học dân gian. Con người thời xa xưa không phải bất lực với cái xấu, cái ác đến mức phải cầu viện đến trời đánh chết Lý Thông và giáng xuống làm con bọ hung, mà đó chỉ là ước nguyện, mong muốn cái ác bị trừng trị và cảnh báo “ác giả ác báo”.

Motip cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa tốt đẹp và xấu xa cũng xuất hiện từ lâu trong đời sống nhân loại. Câu chuyện Lọ Lem hay Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn cũng là các bài học cảnh báo cái xấu, cái ác và răn dạy tránh xa, không làm điều xấu ác. Nhưng, viết về cái ác, cuộc đấu tranh chống cái ác với những dằn vặt ăn năn sám hối thì đỉnh cao phải thuộc về đại văn hào Dostoevsky cuối thế kỉ XIX. Có một thế giới tội ác trong lâu đài nghệ thuật Dostoevsky, nhưng cũng có một thế giới mĩ học hóa giải cái ác, tiễu trừ cái xấu cái ác, xây dựng nhân cách con người trong tác phẩm của ông. Anh em nhà Karamazov là sự nhiễu nhương, hỗn loạn của xã hội được khúc xạ vào câu chuyện gia đình tan rã, nơi cái ác, cái xấu xuất hiện ngay giữa người thân ruột thịt trong nhà. Fedor Pavlovic - ông bố trong gia đình Karamazov - vừa ranh mãnh, liều lĩnh, mánh khóe tiến thân làm giàu vừa keo kiệt, dữ dằn, đàng điếm biến nhà mình thành cái ổ truy hoan cùng các ả mèo mả gà đồng. Kẻ trụy lạc, trác táng như thế khiến người vợ đầu không sống nổi vì khinh bỉ chồng phải bỏ đi và người vợ sau hóa điên đến chết. Ông bố nhà Karamazov xấu xa vô đạo, vô thần quan niệm: “Ta cứ nghĩ, khi ta chết không thể nào quỷ lại không dùng móc câu lôi ta đi. Nhưng ta lại nghĩ: Móc ư? Chúng đào đâu ra móc. Làm bằng gì? Sắt ư? Thế thì rèn móc ở đâu? Ở địa ngục có xưởng rèn chắc?”. Con người đã vô đạo, vô thần và lí luận đơn giản thô thiển như vậy thì có thể làm tất cả mọi điều ác mà không sợ ác báo. Fedor Pavlovic cho vay nặng lãi, cướp đoạt đất của người nghèo bằng mọi thủ đoạn thâm hiểm, tranh giành gia sản và tranh đoạt tình yêu với con trai. Cha xấu xa và vô trách nhiệm thì con cũng không thể tốt. Con người bỉ ổi, băng hoại đạo đức như Fedor Pavlovic chính là nguyên nhân tích tụ hằn học, căm giận, lau xóa tình thương yêu dẫn đến xung đột âm thầm nghiệt ngã trong gia đình Karamazov và hậu quả là bi kịch con giết cha, con đi tù. Thế giới tội ác khủng khiếp, ghê rợn trong Tội ác và trừng phạt được Dostoevsky miêu tả trần trụi, nghiệt ngã. Raskolnikov đến nhà Alyona Ivanovna giàu nứt đố đổ vách và lạnh lùng cầm búa bổ vỡ đầu mụ để cướp tiền bạc. Mở két tiền xong, anh ta bắt gặp Elizabet, em gái mụ cầm đồ, liền vung búa hạ thủ luôn... Con người lạnh lùng, vô cảm song hành cùng cái ác. Thảm sát nối tiếp thảm sát!

Nữ nhà văn Emily Bronte viết Đồi gió hú không chỉ miêu tả câu chuyện tình dữ dội, ngang trái, mang tham vọng chiếm hữu đầy bi kịch giữa Catherine và Heathcliff mà còn ra thông điệp về cái ác sinh sôi trỗi dậy bởi cái ác, từ cái ác. Heathcliff vốn là đứa trẻ bị bỏ rơi được nuôi nấng ở “đồi gió hú” giữa vùng đồng cỏ hoang dã, nhưng bị xã hội, gia đình và cả số phận chống lại tình yêu của mình. Anh phát cuồng điên với cảm giác bị phản bội, trong đầu lúc nào cũng bừng bừng ngọn lửa ghen tuông, thù hận và hủy diệt, trả thù.
Thế giới cái xấu, cái ác phơi bày trần trụi trước mắt người đọc đến gai người lạnh gáy qua ngòi bút thần tình của các nhà văn chính là bản cáo trạng về tâm địa xấu xa đen tối của con người.
Nhà văn Maxim Gorky nói rằng: “Văn học là nhân học”. Nếu nói không quá thì văn học là môn dạy làm người. Người ta có thể học làm người qua văn học. Văn học làm giàu có, làm tốt đẹp đạo đức, tâm hồn con người như dòng sông lớn mang nặng phù sa bồi đắp làm màu mỡ tươi xanh châu thổ. Văn học không chỉ miêu tả cái xấu, cái ác để bạn đọc nhận diện, cảnh giác mà còn góp phần xây dựng nhân cách con người. Chỉ khi nào làm được điều này, tác giả mới làm tròn sứ mệnh nhà văn.
Nhà triết học Hegel nói rằng: “Giáo dục là nghệ thuật biến con người thành có đạo đức”. Tính giáo dục của văn học là tính cảnh báo, tính hướng thiện, tính xây dựng, chứ không chỉ miêu tả trần trụi cái ác, cái xấu rồi dừng lại. Dù người đọc bức bối, ngột ngạt bởi cái ác ươm mầm cái ác, cái ác hoành hành khiến tác giả có lúc bị nguyền rủa, lên án vì đã đẩy sự trả thù ghê rợn đến tận cùng nhưng Đồi gió hú vẫn là một tác phẩm có tính nhân văn cao cả. Khép lại tiểu thuyết, các hình ảnh về ông chủ mới của “đồi gió hú” - Heathcliff được chôn cạnh người tình xưa Catherine và đám cưới của Cathy với Hareton cùng chuyến viếng thăm ba ngôi mộ Catherine, Heathcliff và Edgar nằm cạnh nhau... là một thông điệp dùng yêu thương hóa giải hận thù được tác giả “cài cắm” một cách khéo léo.

Dù miêu tả cả một thế giới tội ác lạnh lùng, ghê rợn nhưng Dostoevsky vẫn “đặt” một nhân vật lương thiện là Aliosa trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov. Gia đình Karamazov tan nát song vẫn còn Aliosa nhân hậu, cần mẫn với thiên chức người thầy giáo để dạy những yêu thương và hi vọng về một thế giới tốt đẹp, nhân ái hơn. Dostoevsky xây dựng nhân vật Aliosa thế này: “Đây có lẽ là người duy nhất trên thế gian mà nếu bỗng nhiên bị bỏ mặc một mình, không có chút tiền nong nào trong một thành phố lạ một triệu dân thì anh ta cũng không khốn đốn, không chết đói chết rét, bởi vì tức khắc sẽ có người cho ăn và thu xếp cho, mà nếu không ai thu xếp cho thì anh ta cũng sẽ tự thu xếp được ngay, chẳng phải gắng gỏi gì hết và cũng không một chút quỵ luỵ, còn người giúp anh ta không hề cảm thấy đó là gánh nặng, trái lại có lẽ còn coi đó là niềm thích thú”. Nhà văn đã xây dựng một Aliosa nhân hậu làm thiên sứ rao giảng vẻ đẹp của tình yêu và lòng nhân ái.

Viết về cái ác quá trần trụi mà không mang đến người đọc niềm hi vọng và niềm tin về lòng thương yêu sẽ phản tác dụng. Bằng cảm hứng nhân đạo, viết tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt, Dostoevsky đã để cho Raskolnikov sống triền miên khổ sở trong nỗi dằn vặt, ân hận giày vò bản thân vì tội giết người cướp của. Anh ta luôn ăn năn nguyền rủa mình: “Ta là con sâu con bọ run rẩy hay ta có quyền lực?”. Nhân vật còn sám hối, thức tỉnh: “Ta đã giết không phải một con người, ta đã giết một nguyên lí”. Hình phạt ghê gớm của nhà văn dành cho nhân vật không phải là gông xiềng, hay cái giá treo cổ mà nỗi đau tiếc nuối làm điều ác giết người đồng thời cũng giết chết nhân phẩm của mình. Cuối cùng, ý nghĩa nhân đạo và cái thiện chiến thắng chính là hình ảnh Raskolnikov đến tòa tự thú, sau chín tháng sống dằn vặt, bất yên, khổ sở, giày vò.
 Văn học Việt Nam đã và đang viết về cái xấu, cái ác nhưng vẫn hướng thiện xây dựng nhân cách con người. Văn học dân gian không nói cái ác bị trừng trị bằng các khái niệm chung chung mà bằng các câu chuyện, bằng các chi tiết nghệ thuật ám ảnh. Lý Thông bị giáng thành con bọ hung sống chui nhủi trong đống phân. Mẹ con Cám lần lượt chết. Người anh tham lam trong Cây khế không chịu bỏ bớt vàng, nặng khiến cánh chim đại bàng không bay được và bị rơi xuống biển... Cái ác, cái xấu bị trừng trị như một hệ quả tất yếu. Truyện cổ tích thường hay được đọc từ thuở thơ dại. Những câu chuyện về thiện - ác ấy đọc một lần thì nhớ mãi, ám ảnh, không quên về sự được mất, phải trái, về sự tử tế, lương thiện và xấu xa, ác hiểm. Như mưa dầm thấm lâu, văn học dân gian đã góp phần xây dựng nhân cách con người tốt đẹp từ lúc nào đến chính mỗi người đọc cũng không hề biết.
Người viết văn chuyên nghiệp thời hiện đại không thể vô tình mà phải có ý thức thể hiện chức năng nhận thức và giáo dục trong tác phẩm thông qua hình tượng nghệ thuật. Người đọc văn sẽ học được cách làm người, học cái tốt, cái đẹp, cái chân thật và nhận thức cái xấu, cái ác một cách nhuần nhụy, tự nhiên thấm dần và cũng rút ra được kinh nghiệm, bài học hoàn thiện nhân cách. Ông Vũ Trọng Phụng sinh ra thằng cơ hội Xuân tóc đỏ, tên dâm ô trụy lạc Nghị Hách. Ông Nam Cao đẻ ra thằng lưu manh Chí Phèo, gã nham hiểm Bá Kiến... Để rồi qua các nhân vật xấu đó, người đọc nhận diện soi chiếu vào mình mà biết căm ghét, lên án, loại bỏ cái xấu, cái ác trong cuộc đời, hướng thiện và hoàn thiện mình.
 Một thời gian dài, văn học Việt Nam chìm sâu vào dòng cảm hứng viết về hiện thực đen tối, nghiệt ngã đầy rẫy cái xấu, cái ác trần trụi. Văn học nếu chỉ có thế thì vẫn chưa đủ. Xây dựng nhân cách con người qua văn học không chỉ viết về con người xấu, con người ác mà phải viết cả con người tốt. Nhưng có một sự thật là xây dựng nhân vật tốt bao giờ cũng là một thách đố với nhà văn. Những thằng dở người dở ngợm, những kẻ lưu manh như A.Q, Xuân tóc đỏ, Chí Phèo, Nghị Hách... hoặc nhân vật lạc thời, lỗi thời như Giang Minh Sài, lão Khúng... thì vẫn sống sờ sờ lừng lững trên từng trang sách. Song các nhân vật tốt rất khó đứng với thời gian, nếu có chăng thì rất ít ỏi... như Fantine Những người khốn khổ, như chị Dậu? Thách đố này, nhà văn phải đương đầu, phải dấn thân... viết về nhân vật thiện - tốt.
Văn học viết về cái xấu, cái ác, hay ủng hộ các tác giả viết về cái xấu, cái ác với cảm hứng nhân đạo cũng là hướng thiện, cũng là góp phần xây dựng nhân cách con người mới tốt đẹp

S.N.M


1 nhận xét: