Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

Làm anh. truyện ngắn - Trạch An-Trần Hữu Hội












 Làm anh.

                   * Trạch An-Trần Hữu Hội.

       Mặt trời như muốn đốt chảy mặt con đường nhựa, Hải hoa mắt vì nắng và mồ hôi, hai bánh của chiếc xe gắn máy dù vẫn căng cũng như rị lại, nặng thêm vì ma sát trên lớp nhựa đường ươn ướt.
       Hải tự trách mình nóng vội, lẽ ra anh nên nghỉ trưa một lát sau khi đạp hộc hơi mà xe không nổ máy, anh lại dắt đi sửa vào giữa trưa, nhưng anh lại nghĩ, nếu không đi ngay, chưa chắc đã ngồi yên chứ chưa nói đến chuyện nằm với cái giọng khó nghe cố hữu của chị Thứ vợ anh, đại loại như : “Anh làm sao thì làm, tối nay con Khánh dắt tụi nhỏ về mà không có xe đón thì tôi đi bộ ra cõng mẹ con nó…”
       Khánh là con riêng của Thứ, khi lấy anh Khánh đã ba tuổi. Hậu quả cuộc tình giữa chị và một anh Địa chất từ ngoải Bắc vào công tác trong vùng, khảo sát xong, đoàn về Bắc, để lại đứa con trong bụng chị Thứ, anh ta hứa là sẽ quay vào đón Thứ ra Bắc nhưng rồi biền biệt, thư chị gởi đi hai lần quay trở lại vì địa chỉ không có người nhận! Nay thì Khánh đã hai đứa con,  chồng làm công nhân cho một Công ty may mặc ở Sài gòn, không khấm khá gì vì vẫn đang ở nhà thuê, thi thoảng về thăm ngoại, khi đi, xin ít tiền chi tiêu cho cuốc sống thiếu thốn trên thành phố!
       Khánh tính tình giống mẹ, ích kỷ và khó tính. Anh cố gắng không coi Khánh là con riêng của Thứ bởi anh đã sống với nó từ ba tuổi, nhưng càng lớn, những gì anh ghét nơi con người Thứ thì nơi Khánh càng lộ rõ như bản sao. Hai đứa con của Khánh thì ngược lại, dễ thương từ khuôn mặt đến tính tình, chúng rất tình cảm, anh thương chúng.
       Tiệm sửa xe khép cửa nghỉ trưa, anh phải gọi, chị vợ ra xem ai rồi mới vào đánh thức chồng:
       - Anh Tùng, dây sửa xe cho thầy Hải, nắng chang chang thấy thầy mà tội!
       Nếu ai đó thì chắc Tùng biểu chờ, nhưng Hải thì Tùng dậy ngay bởi họ  có quen nhau. Con trai Tùng đang học cấp hai, hồi còn đứng lớp, Hải dạy nó môn Tiếng Việt, họ cũng đã đôi lần lai rai cùng nhau:
       - Xe sao vậy thầy?
       - Đề không nổ, đạp mãi chẳng thấy nhúc nhích!
       -Thầy cho xe vô đây chờ em chút.
       Tùng vào nhà mồi diếu thuốc rồi cầm cả thuốc và hộp quẹt ra mời nhưng Hải đã móc túi lấy thuốc, anh ghiền thuốc nặng nên đi đâu cũng không quên bọc theo.
       Tùng bảo vợ pha trà mời Hải vào nhà, anh khát thật sự nên không ngần ngại xin vợ Tùng một cốc nước đá tủ lạnh. Tùng vừa đề vừa đạp, lâu lâu lốp bốp rồi tắt…
       - Thầy ơi, thầy có gấp đi đâu thì lấy xe em mà đi, cái điệu này lâu đó!
       Hải không gấp đi đâu, nhưng cần phải ghé Thưởng mượn it tiền chứ khi dắt xe đi, anh quên mất chuyện tiền.
       - Ừ, vậy thì cho chú mượn xe, chạy qua chú Thưởng nó chút.
       Ngoài học trò và lứa tuổi còn đi học, Hải ít khi xưng thầy với phụ  huynh, chỉ áng chừng tuổi tác mà xưng chú hoặc anh.
       Tùng mau mắn dắt chiếc xe của mình ra cho Hải, nó cũng cùng loại xe số “Yamaha Taurus” như của Hải, trông cũ nhưng máy móc trơn tru hơn nhiều.
        Hải lâu rồi không ghé thăm chú em, đứa em duy nhất của anh.
        Anh nhớ lại hồi 1972 kinh hoàng ấy, bốn mẹ con chạy qua đoạn cầu Dài, chiếc cầu không dài như tên gọi mà ngược lại rất ngắn, nằm trên Quốc lộ 1 đoạn từ Quảng Trị vào Huế. Sau này, ai đó đã đặt cho nó một cái tên rất đúng với những gì đã xảy ra nơi đây, còn hằn sâu trong ký ức của những ai đã trải qua: “ Đại lộ kinh hoảng”.
        Hải nắm tay Thưởng chạy trước, mẹ cõng Liên chạy sau, cách chỉ một đoạn ngắn bởi Hải luôn nhìn lại mẹ, sợ bị lạc trong dòng người hốt hoảng, em Liên nằm trên lưng mẹ, cứ mỗi lần Hải quay lại nhìn, em vẫy tay… đạn pháo nổ quanh làm Hải và Thưởng quỵ té nhiều lần, Hải muốn cõng em giúp mẹ nhưng mẹ không chịu.
       Trên quốc lộ, các loại xe quân đội và xe đò chết máy chật cứng con đường, lính và dân thường chạy hai bên bãi cát lúp xúp cỏ. Người chết, bị thương nằm la liệt rên la…Tất cả đều chạy, hướng vào Huế tìm cái sống!
        Một trái đạn pháo nổ từ phía sau, xô Hải và Thưởng lật sấp xuống cát, vội vàng đứng dây định chạy tiếp nhưng anh nhìn lại, không thấy mẹ và em Liên, người ta xúm nhau kêu la khóc lóc chỗ trái pháo vừa nổ, Hải kéo em quay lại, mẹ và em Liên nằm hai nơi, cách nhau chừng ba mét, quanh xác mẹ và em, những cái xác khác la liệt bao quanh…Hải nhận ra em nhờ cái áo chấm hoa màu tím, cố chen vào đám đông ẵm em Liên bị mất một chân, đến đặt nằm bên mẹ. Thưởng khản giọng gào lên, chìm trong tiếng ồn ào thảm thiết của bao nhiêu người. Hải úp ngang người trên mẹ và em, tay vẫn nắm áo Thưởng, anh nhớ là mình đã không khóc, không la. Anh nhắm mắt nghĩ đến cha giờ đang ở đâu đó, có biết vợ và con gái mình đã chết, hai đứa con trai đang bất lực trong hiểm nguy…Chuyến về phép ngắn ngủi vừa rồi, cha đã nhiều lần ôm ghì Liên, hôn lên đôi má bầu bĩnh của đứa con gái bé bỏng mà ông mong chờ năm năm mới có được!
         Cha anh kể lại sau này, ông đang ngồi bóp bao gạo sấy bên chiếc hầm, trong làng Thi Ông, cách chỗ ấy không xa, bỗng như có một tia điện xẹt vào đầu ông, buông bao gạo đã nhuyển, ông chụp cây súng, nhưng rồi ngồi thừ người chẵng biết vì sao…Đến tối, Chuẩn úy Phú  báo tin dữ, cho phép ông đi tìm gia đình!
         Mùa hè đó. Anh 13 tuổi, Thưởng 10 tuổi và em Liên 5 tuổi!
         - Chú ấy vậy mà cũng  52 tuổi rồi nhỉ!
         Bất giác, Hải nói thành lời khi rẽ vào con đường trong lô cao su dẫn vào khu nhà ở của công nhân nông trường…
         Vào nhà, vợ chồng Thưởng vừa ăn cơm xong, Lệ vợ Thưởng chào anh rồi hỏi:
         - Anh ăn cơm chưa, đi đâu mà nắng thế?
         - Anh ăn rồi, cái xe hư phải đi sửa để chiều ra đón mấy đứa nhỏ. Tụi nó vẫn học tốt chứ?
         - Dạ.
         - Chú mới đi cạo về?
         - Hôm nay công ty giao hàng mủ, xúm nhau bốc vác nên về trể. Xe sao vậy?
         - Chả biết, lâu lâu trở chúng một lần…
         - Anh bảo nó làm máy, thay cái đề, bính xăng con…cho ngon lành chứ  cứ vậy mệt lắm!
         - Ừ, rảnh anh cho nó làm như chú nói. Giờ có sẵn tiền không anh mượn mấy trăm? Vội đi không kịp lấy tiền.
         Lệ mau miệng hỏi:
         - Bao nhiêu anh ?
         - Anh mượn ba trăm.
         Lệ đứng dậy định vào trong lấy tiền nhưng Thưởng móc túi ra mấy tờ năm trăm.
         - Bốc xong thủ quỹ phát ngay, cả tổ được hai triệu ba, mấy cái khoản khoán này được cái khá là có tiền liền.
         - Anh cầm năm trăm, lỡ thiếu…
         Hải nhìn quanh rồi ngước lên trần nhà chậm rải hỏi:
         - Chú thím định khi nào làm nhà?
         - Hơi lâu anh ạ, sang năm thằng Thắng ra trường, con Thủy mới năm đầu, không ở chung anh em với nhau được mà phải ở cùng bạn gái nó, tốn lắm!
         Vợ chồng Thưởng cùng cạo mủ cao su, nay người ta khoán lô nên ai siêng năng thì cũng có, thêm nữa là vợ chồng có thể làm thay nhau nên dạo này công nhân khá hẳn lên. Khá là nói thế chứ nuôi hai đứa con vào đại học như Thưởng thì cũng chật vật.
          Hải thương em lắm, gia cảnh anh khá hơn nhiều nhờ hai vợ chồng đều ăn lương, anh đi dạy chị làm Bưu điện. bao năm nay…
          Hải đứng dậy đưa tay nhìn đồng hồ:
          - Uống ly cà phê rồi đi cạo kịp không?
          - Kịp chán, còn sớm với lại làm khoán thì làm lúc nào chả được!
          Thưởng lên xe ngồi sau lưng Hải. Quán trưa vắng khách, Thưởng chợt nhớ là lâu lắm rồi, anh em chưa uống với nhau ly cà phê hay có dịp ngồi chuyện trò như hồi  cha còn sống.
          Sau trận cầu Dài năm ấy, tìm được hai đứa con, ông Mừng đem chúng vào Đà Nẵng, sống trong trại tạm cư, quyết định đào ngũ.
          Ông không hồi cư, Quảng Trị vẫn đang đánh nhau, dằng co qua lại trong Thành Cỗ. Có chương trình vào Long Khánh khai hoang, ông làm đơn đi theo. Sống trong rẫy nên chuyện đào ngũ của ông không ai biết.
          Năm 1975, ông không còn lo chuyện đào ngũ nhưng cả nước đều cực, ông vất vả nuôi con…Hải vào được cao đẳng sư phạm Biên Hòa, Thưởng phải bỏ học phụ cha rẫy nương. Thưởng lập gia đình năm hai mươi bảy tuổi. Năm sau thì cha mất, Hải muộn màng hơn, sau Thưởng bốn năm…
          Một người mù vào quán với xấp vé số, đứa con gái hững hờ ngáp trong lúc người mù cất giọng yếu ớt mời, Hải móc túi còn đúng ba chục tiền lẻ, anh mua ba tấm, đưa cho Thưởng một tấm.
                                                                      oOo

           Hải ngồi cúi đầu, ghét mình vì cái tội mau mồm, mau miệng!
           Hôm đi sửa xe về, anh cởi áo vắt lên thành salon rồi nằm dài ra định chợp mắt một lát. Chị Thứ thấy trong túi có tiền hỏi:
           - Anh quên lấy tiền sửa xe, mượn ai à?
           - Phải chạy qua chú Thưởng mượn mấy trăm. À, có mua ba tấm vé số, cho chú nó một tấm rồi.
          Rồi anh quên đi mấy tấm vé, sáng nay đi dạy, nghe giáo viên kháo nhau ầm lên là trong vùng có mấy người trúng độc đắc. Ai cũng chép miệng…
          Dạy xong, anh phóng xe đến đại lý trên thị trấn, nhìn lên bảng dò của ngày hôm trước, lô trúng đặc biệt được khoanh lại bằng phấn đỏ, nhẩm thuộc hàng số rồi mua hai tấm, chạy vội về, bảo chị Thứ lấy hai tấm vé.
          Hàng số sáu con y như trong đầu anh, anh hét lên: Trúng !!!
          Chị Thứ trợn mắt, thừ người nhìn anh, một lát sau chị lăn ra giữa nhà, nghĩ ngay dến tấm vé anh cho Thưởng, làm mình làm mẫy…
          - Anh không lấy lại tấm vé, tôi thắt cổ chết cho anh coi!
          - Cho nó rồi giờ lấy lại sao được!
          Chị chụp hai tấm vé đi nhanh vào phòng ngủ, lát sau đi ra.
          - Bà làm gì ? Nó đang khổ, cài nhà không ra nhà, cạo mủ được bao nhiêu thì lo cho mấy đứa con! Minh có hai tấm ba tỷ, nhà cửa đã ổn, lương lá thu nhập mình cũng khá hơn…
          Thứ không nói gì thêm. dắt xe ra ngõ. chị chạy đến nhà Thưởng, vào nhà thấy hai cha con Thưởng và Thủy đang ngồi. Chị Thứ đon đả:
          - Thủy về hồi nào sao không qua bác chơi. hôm nay chú không đi cạo à? Chị ghé trả chú năm trăm hôm anh Hải mượn.
         Thưởng đứng dậy kéo ghế mời chị dâu:
         - Gấp gang chi vậy chị ?!
         Thứ móc túi bỏ lên bàn tờ năm trăm đồng, làm bộ như chợt nhớ:
         - À, cái vé hôm anh Hải mua trúng một triệu, chú bỏ đâu rồi, đưa chị đi lãnh luôn cho. Đi thị trấn mua cho ông ấy hộp yến bồi dưỡng chứ dạo này cứ than ăn không ngon miệng!
         Thưởng vổ túi quần, cái quần mặc hôm Hải đến nhà tới nay vẫn chưa thay, móc túi lôi ra tấm vé nhàu nhàu lẫn trong mớ tiền lẻ:
         - Hên vậy à, có tiền cho Thủy lên lại Thành Phố rồi!
         Lấy được tấm vé chị Thứ chạy ngay về nhà, vào phòng đóng cửa, gọi điên cho Khánh bảo hai vợ chồng về gấp.
         Hải vẫn còn đang bần thần chao đảo…Anh ngước mắt nhìn chị Thứ bằng đôi mắt vô hồn rồi chợt nhớ ra, anh lấy máy gọi cho Thưởng…
         - Tấm vé mua hôm uống cà phê đâu rồi?
         - Em vừa đưa cho chị…
         - Trời ơi, sao chú lại đưa!
         Anh bật người ra ghế thở dài:
         - Khốn nạn!
                                                                    oOo
        Chị Thứ về hưu năm ngoái, luôn than thở chuyện lương bổng không đủ sống bởi không còn những khoản tiền vô thưởng vô phạt như trước!
        Từ khi lấy nhau, không biết bao nhiêu lần vợ chồng anh lục đục, có lần suýt chia tay bởi nhiều cái khác nhau trong tính cách. Chị Thứ lắm khi hổn xược, hàm hồ xúc phạm anh, nhưng cuồi cùng, bao giờ anh cũng cố dằn lòng cho qua, tránh cãi vả to tiếng bởi mình là giáo viên, sợ người ta to nhỏ, xầm xì. Anh thường tự an ủi là chị lúc nào cũng tươm tất nhà cửa, lo cho con cái, thằng con trai của anh đang học đại học Y trên thánh phố, hời hợt chuyện tiền nong giống như anh nhưng rất thương mẹ.
        Gần dây, xem những bạn đồng nghiệp, những đôi vợ chồng ly hôn, phần nhiều  chẳng hạnh phúc hơn là bao mà ngược lại, có lắm đôi rơi vào bất hạnh…Anh lôi ra cái câu duyên số vợ chồng là do trời định để tự thuyết phục, an ủi mình…
         Chiếc taxi chở vợ chồng và hai đứa con Khánh từ sài gòn về, vào hẳn trong sân, đậu sát cửa nhà. Chị Thứ từ trong phòng vội vàng chạy ra. Hải đứng dậy nhưng rồi anh ngồi xuống, chán nản…
         Chưa bao giờ anh trúng số, dù chỉ vài triệu, cũng chưa bao giờ anh có một số tiền lớn đến một lần. Những gì anh có được hôm nay đều do tích góp mà có. Trúng độc đắc bạc tỷ là chuyện trên trời rơi xuống, anh thậm chí không hình dung được là bao nhiêu, chỉ mơ hồ là nhiều lắm, làm được nhiều việc lắm…Nhưng với lòng tham và việc lấy lại tấm vé mà anh cho Thưởng, chị Thứ đã làm mất hết mọi hứng thú, thay vào đó là một mặc cảm tội lỗi lớn dần lên trong anh.
        Việc gọi vợ chống Khánh về, bao hẳn một chiếc taxi, như cố tình loại anh ra ngoài toan tính của chị càng làm anh tức giận, chán chường…
        Đứa con rể cúi chào rồi khéo léo đẩy hai đứa nhóc vào lòng anh, con bé lớn có vẻ như biết anh đang giận, bà cổ dụi đầu vào ngực nói:
        - Ngoại lên Sài gòn ở với con nghe!
        Chị Thứ và Khánh vào phòng mang ra mấy cái túi xách, anh tài xế mở cửa cho vào sau xe…
        Chờ cho tất cả lên xe rồi chị mới bỏ cái bì thư lên bàn:
        - Tiền trong đây, tôi lên với tụi nó vài hôm.
        Anh muốn to tiếng nhưng sợ tài xế nghe thấy, nhìn chị gằn giọng:
        - Làm gì thì làm, nhưng phải chuyển vào tài khoản lương cho tôi năm trăm năm chục triệu.
       
                                                               oOo
        Vẫn chưa ai biết Hải trúng số đặc biệt, anh cũng chưa gọi lại cho Thưởng nên  không biết chú ấy có biết không. Chiều nay, họp chuyên môn xong thì có tin nhắn từ máy của Khánh: “ Mẹ đã chuyển tiền cho ba, ba cho mẹ xin lỗi.”
         Hải gọi ngay cho Thưởng:
        - Chú có nhà không?
        - Em đang cạo, có gì không anh?
        - Về nhà đợi anh, anh tới bây giờ.
        Hải vẫn chưa biết phải nói sao với vợ chồng đứa em, nó vốn hiền và chịu khó giống cha anh. Những ngày khổ cực phải bỏ học làm lụng cùng cha cho anh học cao dẳng…Những năm chưa lập gia đình, thỉnh thoảng anh cũng có cho em vài trăm may cho cháu bộ đồ tết và cũng chỉ có thế bởi lương ngày ấy còn quá thấp. Từ ngày lấy chị Thứ, anh không giúp gì được cho em bởi chưa dư dật gì…
       Vào đến nhà Thưởng, thấy hai vợ chồng ngồi nhìn ra, mặt lo âu:
       - Có chuyện gì vậy anh?
       Đã dự tính sẽ nói thật mọi việc cho em nên Hải ngồi xuống, vợ Thưởng đứng dậy định đi pha trà nhưng anh kéo tay:
       - Thím ngồi xuống đây anh nói cái này. Chú thím biết là chị tính nết thế nào rồi, anh cố gắng gỡ cái lỗi. Tấm vé hôm uống cà phê anh đưa cho chú trúng đặc biệt, một tỷ rưởi !
       - Sao chị nói trúng một triệu!
       Hải hiểu ra cách Thứ lấy lại tấm vé.
       - Một tỷ rưởi! Biết anh cho chú một tấm, chị ấy làm mình làm mẩy đòi qua lấy lại, anh không chịu, đang cải nhau rất căng rồi tự nhiên bỏ đi, anh đang giận nên đâu ngờ…Bây giờ anh vẫn chưa hết giận, hôm qua cả nhà lên Sài gòn rồi. Anh buộc mấy mẹ con phải chuyển cho anh năm trăm năm chục triệu. Anh tính năm chục xây mộ cho ba mẹ và em, năm trăm cho chú thím làm cái nhà, còn bao nhiêu mấy mẹ con tự tính với nhau, anh không cần!
       Hai vợ chồng Thưởng bất ngờ đến tròn mắt không nói gì, lát sau Thưởng mới cười nhìn anh:
      - Hôm đó anh không mua, không cho thì sao. Giờ có năm trăm triệu làm cái nhà là coi như vợ chồng em trúng đặc biệt rồi!
      Hải nhìn hai vợ chồng em:
      - Chú thím không buồn ?
      Thưởng cười ha hả nói to:
      - Thì ban đầu ông trời định cho một tỷ rưởi, nhưng sau đổi ý cho năm trăm kẻo sợ có tiền sinh hư hỏng bê tha, bỏ bê vợ con. Tiền trên trời rơi xuống thế này rất nguy hiểm, phải không em?!
      Vợ Thưởng cũng cười, chị chưa hề mơ ước đến một số tiền lớn như vậy. Năm trăm triệu, vợ chồng chị dành dụm biết bao giờ mới có?!
      - Làm nhà chi to dữ vậy anh. Anh hai em vừa làm cái nhà hết ba trăm, thấy to và đẹp quá đi rồi!
      Hải như vừa thoát bỏ một gánh nặng, anh vổ vài Thưởng:
      - Còn sớm, mình ra nghĩa trang chút.
      Thưởng đứng lên theo anh ra cửa, nói:
      - Phụ nữ họ lo lắng nhiều nên vậy, chị chấp nhận cho em năm trăm là tốt lắm rồi, anh đừng giận hờn nghĩ ngợi nữa. Coi sắp xếp má lên cùng chị ấy, thời buổi này lường gạt đủ trò, không khéo là mất đó!
      Hải đứng sựng lại nhìn em, đứa em ít ỏi, lam lũ quanh năm, anh không ngờ lại có được những suy nghĩ như thế:
      - Chú ít học mà chín chắn và rộng lượng hơn anh, anh cảm ơn chú!
      Hải leo lên ngồi sau em, anh ngước mắt nhìn lên hàng cao su, nhớ lại con lộ kinh hoàng năm ấy, tay anh ôm choàng qua bụng Thưởng, như ngày nào anh vẫn nắm tay áo em khi anh khom người qua xác mẹ và em Liên trên bải cát!
     
                                                                Sài gòn, tháng VI. 2016.
                                                                Trạch An-Trần Hữu Hội


      
       
        

       
       
       
        

        
        

       



        



       




1 nhận xét: